Những nông dân thu vài trăm triệu mỗi năm nhờ chăn nuôi gia cầm

16/06/2021
- Gia Lai: Thu 400 triệu mỗi năm nhờ nuôi ốc đặc sản "siêu đẻ"
-Thái Nguyên: Nuôi vịt trên đồi nhặt trứng mỏi tay
Hiện nay, bà Thảo có tất cả 3 lò ấp trứng vịt với công suất 1.500 quả/lò

Thái Nguyên: Nuôi vịt trên đồi nhặt trứng mỏi tay

Bà Hoàng Thị Thảo (62 tuổi, trú tại xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ trứng gần 20 năm nay. Nhờ nuôi vịt đẻ trứng và ấp trứng vịt lộn, gia đình bà có của ăn của để, mỗi năm bỏ túi 300 - 350 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Thảo cho biết, gia đình bà đã gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ trứng gần 20 năm nay. Ban đầu, gia đình nuôi vịt thịt với số lượng ít rồi dần chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng. Có thời điểm nuôi nhiều, đàn vịt của gia đình lên tới số lượng 4.000 con vịt/lứa. Đến năm 2010, bà quyết định đầu tư mua lò ấp trứng vịt lộn. Đến nay gia đình bà Thảo có tất cả 3 lò ấp trứng với công suất 1.500 quả/lò.

Theo bà Thảo, nuôi vịt đẻ trứng phải có vốn và kinh nghiệm. Kinh nghiệm trước hết ở việc chọn giống. Giống vịt được chọn phải là giống vịt siêu hoa mơ vì giống vịt này to hơn và đẻ trứng đều hơn những giống vịt thông thường khác. Để hạn chế vịt nhiễm bệnh, bà Thảo nuôi vịt trên đồi vừa sạch sẽ, vừa dễ dàng xử lý nguồn chất thải. Mỗi lần vào vịt, ngoài chú ý tiêm phòng vaccine và cho vịt uống thuốc định kỳ, bà Thảo còn phun khử trùng và dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ.

Bà Thảo cho biết, từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm là lúc thời tiết nắng nóng nên bán trứng vịt lộn sẽ chậm hơn. Do đó thời điểm này, bà sẽ chuyển sang nuôi vịt thịt. Sau đó khi thời tiết chuyển sang mát mẻ, bà lại nuôi vịt đẻ trứng với số lượng lớn. Cứ như vậy, bà thực hiện việc nuôi gối nhau giữa vịt thịt và vịt đẻ trứng. Theo bà Thảo, sau khi bắt đầu nuôi được khoảng 3 tháng, vịt sẽ đẻ trứng. Thời gian khai thác trứng từ lúc bắt đầu nuôi đến lúc thải loại vịt thường kéo dài khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nếu vịt bị dịch tả hoặc tiêu chảy kéo dài sẽ không đẻ trứng nữa. Do đó, phải loại bỏ những con vịt bị bệnh này để đảm bảo lượng trứng thu về.

Mỗi ngày, một con vịt ăn trung bình hết khoảng 1,5 – 1,6 lạng cám. Với số lượng vịt nuôi như hiện nay của gia đình bà Thảo, mỗi ngày gia đình bà tiêu tốn hết khoảng 6 tạ cám. Trung bình mỗi lứa vịt vào lò, gia đình phải mất chi phí khoảng 200 triệu đồng cả tiền giống và tiền thức ăn cho vịt.

Chia sẻ về cách ấp trứng vịt lộn, bà Thảo cho biết: "Trong quá trình ấp trứng vịn lộn, cần phải chú ý điều chỉnh nhiệt độ ấp trứng trong lò ở vào khoảng 37oC là phù hợp, nếu nóng quá trứng sẽ bị hỏng. Trứng đạt chuẩn là trứng ấp trong lò 18 ngày, nhưng để tránh trứng bị già quá, tôi thường lấy non 17 ngày". Với số vịt hiện tại, mỗi ngày gia đình bà bán khoảng 2.200 quả trứng lộn, còn lại là bán trứng trắng. Hiện gia đình bà cung cấp trứng vịt chủ yếu cho các cửa hàng trên địa bàn TP.Thái Nguyên và một số khu vực xung quanh, giá trứng vịt lộn đang ở mức 3.500 đồng/quả.

Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình bà Thảo thu về khoảng 300 – 350 triệu đồng từ việc nuôi vịt.

Nhận xét về bà Hoàng Thị Thảo, ông Trần Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa cho biết, trước đây gia đình bà Thảo thuộc diện đặc biệt khó khăn của xóm. Với mô hình chăn nuôi vịt trên đồi, gia đình bà Thảo đã vượt qua khó khăn, có kinh tế khá giả như hiện nay.

Ngoài làm kinh tế giỏi, nhiều năm liền bà Thảo là hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, là tấm gương cho nhiều hội viên nông dân noi theo.

Hà Nội: “Nữ tướng” chỉ huy trại gà sinh học 35.000 con

Trại gà 35.000 con của chị Nguyễn Thị Hương (thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là điểm sáng của ngành chăn nuôi Hà Nội với việc tận dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chị Nguyễn Thị Hương giới thiệu về sản phẩm trứng gà sinh học

Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, chị nuôi gà đẻ trứng đã được 14 năm, lúc đầu trại chỉ có quy mô 5.000 con, về sau mở rộng tới 20.000 gà đẻ và 15.000 gà hậu bị. Trước đây, khi chưa áp dụng chế phẩm sinh học, con gà rất yếu, dễ nhiễm bệnh và phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh. Phương pháp nuôi như vậy vừa ảnh hưởng đến kinh tế vừa tác động xấu đến môi trường.

Sau một thời gian dài mày mò, tìm hiểu, thử nghiệm một số loại chế phẩm sinh học, cuối cùng chị Hương quyết định dùng chế phẩm Bio EM 5in1 của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh). Theo đó, chế phẩm sinh học dạng nước trộn với cám gạo theo tỷ lệ 4 lít/30kg, rồi ủ kín, sau 24 tiếng thì đem trộn hỗn hợp này với 1 tạ cám gạo rồi đậy kỹ lại. Trung bình mỗi ngày 3,5 vạn gà tiêu thụ khoảng 5kg cám gạo ủ chế phẩm sinh học ăn kèm với cám công nghiệp.

Theo chị Hương, lợi ích lớn của sử dụng chế phẩm sinh học là giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bởi, chất thải ra giảm hẳn mùi hôi, phân hủy nhanh, rất khô, xốp như tro, 4 tháng mới phải dọn chuồng 1 lần. Loại phân này rất hợp để bón cho cây trồng canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ nên được nhiều chủ trang trại đặt mua. Nhờ vậy, mỗi năm chị Hương thu được cả trăm triệu từ bán phân gà.

Bên cạnh sử dụng chế phẩm sinh học, chị Hương còn dùng rượu tỏi để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn gà. Phương pháp này tỉ mỉ, tốn nhiều công nhưng bù lại đàn gà luôn khỏe mạnh, không cần dùng đến thuốc kháng sinh.

Hiện sản phẩm trứng gà sinh học của trang trại chị Hương đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Năm 2020, sản phẩm trứng gà sinh học đã được Hội đồng thẩm định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP.Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

 

hoinongdan

Video