Những phụ nữ Bố Trạch quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm”

06/04/2020
Bằng sự nhạy bén, sáng tạo, nhiều phụ nữ ở vùng khó khăn Bố Trạch, Quảng Bình đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương
Công nhân thu hoạch gỗ keo nguyên liệu tại vườn keo gia đình chị Phạm Thị Quyên, thôn Tân Hội, xã Liên Trạch

Thời gian qua, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu do Hội LHPN huyện Bố Trạch thực hiện đạt nhiều kết quả. Bằng sự nhạy bén, sáng tạo, nhiều phụ nữ ở vùng khó khăn đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, phải kể đến nỗ lực của phụ nữ xã Liên Trạch- địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng lại xuất hiện nhiều tấm gương sáng phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương.

Cách đây 20 năm, Liên Trạch là một vùng đất hoang vu, “trên đồi cằn dưới đồng trũng”, cũng như nhiều người dân, gia đình chị Phạm Thị Quyên Quyên, thôn Tân Hội chật vật trang trải cuộc sống từ mấy sào ruộng và mảnh vườn tạp. Có lúc vợ chồng chị nghĩ đến việc vào Nam lập nghiệp. Nhưng với suy nghĩ mộc mạc và chân chất của “con nhà nông” thì "tấc đất tấc vàng", năm 2008 chị bàn với chồng xin địa phương khai khẩn vùng đất đồi vốn bỏ hoang ở trên đồi để cải tạo trồng keo. “Với điều kiện đất đai ở đây, chỉ có trồng rừng mới đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài. Nghĩ vậy, năm ấy tôi mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ vốn Ngân hàng CSXH huyện. Từ số vốn đầu tiên này, vợ chồng bàn bạc mua cây keo giống, bắt đầu cải tạo đất và trồng vườn keo” chị Phạm Thị Quyên kể lại. Khi ấy, nhìn những quả đồi hoang, đường đi lối lại khó khăn, không mấy ai tin rằng chị có thể làm giàu. Năm đầu tiên với việc thử nghiệm trồng 1ha keo, do chưa có kinh nghiệm, không nắm bắt được kỹ thuật trồng, tỷ lệ sống của cây chỉ đạt 30%. Không nản chí, chị tiếp tục học hỏi từ nông dân các địa phương khác, đọc thêm sách báo tích lũy kinh nghiệm. Nhờ trồng đúng kỹ thuật, những năm sau đó, toàn bộ diện tích keo lai trồng năm đầu xanh tốt và đến năm 2014 những rừng keo đầu tiên cũng cho thu hoạch, chị thu về hàng chục triệu đồng. Hiện tại gia đình chị trồng gần 50 ha keo, chỉ tính riêng với cây keo sau khi trừ chi phí và nhân công gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10-12 lao động địa phương. Chị được bà con trong xã gọi là “triệu phú keo Tân Hội” cũng vì lẽ đó.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Quyên còn là hội viên phụ nữ năng nổ, một giáo dân gương mẫu sống tốt đời đẹp đạo. Những chị em có hoàn cảnh, khó khăn, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi, trồng trọt mà mình tích lũy được cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Cũng vươn lên từ nghèo khó, chị Trần Thị Thủy thôn Phú Kinh, quyết tâm biến khu vườn tạp rộng hơn 2,5 ha của mình thành trang trại tổng hợp. Chị dành ½ diện tích để trồng keo và trồng gần 100 gốc tiêu. Ngoài ra, tận dụng khoảng không gian dưới các rừng cây, chị tích góp, “lấy ngắn nuôi dài” xây dựng một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay đàn bò của gia đình chị có 20 con, mỗi năm xuất chuồng gần 30 con lợn rừng và trên 1000 con gà. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm trang trại lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng.

Chị Trần Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Trạch, cho biết: “Tại xã Liên Trạch chị Phạm Thị Quyên và Trần Thị Thủy là những tấm gương vượt khó thành công với mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và trở thành hộ có kinh tế khá, giàu ở địa phương, con cái có điều kiện ăn học, trưởng thành. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để chị em phụ nữ phấn đấu tự chủ, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương.”

Câu chuyện về những người phụ nữ hồi sinh vùng đất cằn cỗi ở Liên Trạch như chị Quyên, chị Thủy khiến nhiều người liên tưởng đến câu thơ “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm” trong “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bởi với tinh thần vượt khó, sự lao động cần cù, sáng tạo thì việc biến đồi hoang khó canh tác trở thành trang trại đầy sức sống, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là điều hoàn toàn có thể.

quangbinh.gov.vn

Video