Những phụ nữ Long An Vượt khó khởi nghiệp

22/12/2019
Khởi nghiệp vốn đã là bài toán khó, phụ nữ khởi nghiệp dường như còn gặp trở ngại lớn hơn rất nhiều so với “đấng nam nhi”. Tuy nhiên, trên hành trình khởi nghiệp, nếu phụ nữ kiên trì, nỗ lực, chắc chắn sẽ thành công. Và dù bước đầu còn lắm khó khăn nhưng nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh Long An vẫn khởi nghiệp thành công.

Vượt lên số phận, chị Nguyễn Thị Tím khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất bông tắm, dây tắm

Vượt lên số phận

Trưa nắng, chúng tôi đến cơ sở sản xuất bông tắm, dây tắm tại Khu dân cư Trần Anh, thuộc ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chủ cơ sở là người PN bị mất một cánh tay phải nhưng khuôn mặt chị lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện.

Với những người bình thường, vươn lên từ hai bàn tay trắng là điều không dễ, nhưng đối với một người khuyết tật là PN thì thật sự là một thử thách rất lớn. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng chị Nguyễn Thị Tím kiên cường vượt qua khó khăn và thành công trên con đường khởi nghiệp. Với chị “không gì là không thể nếu mình cố gắng kiên trì và đừng bỏ cuộc”.

Thời thiếu nữ, chị nổi tiếng xinh đẹp. Ngày ấy, gia đình nghèo khó nên chị vào đời sớm, mưu sinh bằng đủ ngành nghề. Cuộc đời dạy cho chị bản lĩnh và sự tự tin. Năm lên 17, ở độ tuổi đẹp nhất của thời con gái, tai nạn xảy ra làm chị mất một phần thân thể. Vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần, chị Tím vẫn lạc quan. Gần 30 năm rời quê nhà Hà Nội vào Nam lập nghiệp, người PN khuyết tật ngày nào đã tạo dựng được một cơ ngơi khiến bao người mơ ước.

Chị chia sẻ, ngày bị tai nạn, chị cũng buồn tủi nhiều lắm. Nhưng với suy nghĩ “tàn chứ không phế”, chị luôn lạc quan, tìm kiếm ngành nghề buôn bán để nuôi sống bản thân và gia đình. Sau nhiều năm kinh doanh, mua bán đủ các loại mặt hàng, chị nhận thấy nghề sản xuất bông tắm, dây tắm phù hợp với bản thân, lợi nhuận mang lại cũng tương đối nên quyết tâm dồn sức cho loại mặt hàng này. Gần 15 năm kinh doanh bông tắm tại TP.HCM, cách đây khoảng 3 năm, vì muốn mở rộng cơ sở, chị về Long An phát triển sự nghiệp. Hiện tại, cơ sở của chị giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, trong đó có 10 lao động trực tiếp.

Chị nhớ lại, “ngày đầu kinh doanh mặt hàng này, tôi mất khoảng 1 năm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ”. Sau nhiều lần “lê la” ở khu vực TP.HCM, chị bỏ mối cho các chợ An Đông, Chợ Lớn,... Hiện nay, cơ sở của chị sản xuất bông tắm, dây tắm theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là hàng sỉ cho các công ty, doanh nghiệp dùng làm quà tặng.

Tham quan cơ sở sản xuất của chị, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều bông tắm, dây tắm đa dạng về màu sắc, kích cỡ và kiểu dáng khá đẹp mắt. Theo quan sát, dù mất một cánh tay nhưng chị làm hàng rất khéo léo và nhanh nhẹn.

Tính chị ưa cầu toàn nên làm bất cứ công việc gì cũng phải cẩn thận, nhất là với khách hàng, mình phải giữ chữ tín. Và dù sinh sống ở đâu, chị luôn suy nghĩ phải giữ gìn tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng giới. Đó cũng là lý do khiến chị tham gia sinh hoạt hội tại địa phương. Khi chuyển về Long An, mọi việc đối với chị còn khá mới mẻ. Được sự động viên của các chị trong hội cùng chính quyền, chị tham gia sinh hoạt và làm công tác xã hội. Tổ PN nơi chị sinh hoạt có thành lập mô hình góp vốn xoay vòng, số tiền dù không nhiều nhưng cũng giúp được một số chị em có nhu cầu khởi sự, kinh doanh.

“Quan điểm của tôi là người khác làm được thì mình cũng làm được. Đời tôi tuy mất một cánh tay, người chồng đầu qua đời sớm nhưng bù lại, tôi được đền đáp khi công việc làm ăn thuận lợi. Cuộc sống gia đình sau này cũng ấm êm, hạnh phúc. Nhìn lại đời mình, tôi thấy bản thân còn may mắn. Trong những lần sinh hoạt PN ở xã, tôi vẫn luôn nói với nhiều chị em, PN chẳng có gì mà ngại khi khởi nghiệp. Vì khởi nghiệp mang lại nhiều lợi ích, giúp PN có vị thế trong xã hội và cuộc sống ổn định hơn” - chị nói.

Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Chung cho biết, hoàn cảnh chị Tím rất đặc biệt, tuy bị khiếm khuyết nhưng không vì vậy mà buông xuôi, phó mặc cho số phận. Ngược lại, nhờ ý chí và nghị lực, chị Tím không chỉ thành công mà còn tạo việc làm cho một số lao động. Chị là tấm gương tiêu biểu về tính tự lực, tự cường, hăng hái tham gia lao động, sản xuất và là PN tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương. 

Làm lại cuộc đời

Tại huyện Cần Giuộc, công tác hỗ trợ PN khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hội quan tâm. Đó là việc hỗ trợ vốn để các chị mở tiệm tạp hóa, quán ăn, mua máy xe nhang, mở quầy thuốc Tây, may gia công, mua bán gia cầm, mở tiệm bán hủ tiếu, cơm,... Không chỉ chú trọng đến hội viên, PN, hội còn quan tâm đến đối tượng là những PN từng vi phạm pháp luật để giúp họ có thể khởi nghiệp, làm lại cuộc đời.

Với sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức hội, chị Phạm Tô Chung Dung làm lại cuộc đời vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc

Ảnh chị Phạm Tô Chung Dung được hỗ trợ vốn để mở tiệm tạp hóa, 

Mấy ngày nay, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mà cuộc sống chị Phạm Tô Chung Dung, ngụ xã Mỹ Lộc, bớt nhọc nhằn hơn xưa. Hàng ngày, từ 4 giờ, chị thức giấc chuẩn bị mọi thứ để ra chợ tạm xã Mỹ Lộc mua bán rau, củ, quả các loại. Hết một ngày làm việc, tối về chị thức khuya tính lại số lượng hàng bán trong ngày và lặt rau, sắp xếp công việc để tiếp tục hành trình mưu sinh.

Với sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức hội, chị Phạm Tô Chung Dung làm lại cuộc đời vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc

Với chị, cuộc sống bây giờ không quá đủ đầy nhưng hàng ngày kiếm được thu nhập, nhìn các con ngoan, được đến trường đã là niềm hạnh phúc. Nhớ lại khoảng thời gian vướng vòng lao lý vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ cách đây hơn 4 năm, chị Dung tự nhủ sẽ sống, làm việc có ích cho gia đình và xã hội.

Trong một lần lên chợ Bình Điền, TP.HCM để mưu sinh, chị Dung vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị tòa xử phạt 2 năm tù. Cải tạo tốt, chị được xét giảm án sớm hơn so với thời hạn. Khi mới về, chị luôn mặc cảm, nhưng được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của gia đình, các đoàn thể, chính quyền địa phương, chị dần xóa đi mặc cảm và quyết tâm vươn lên.

Chị thông tin, trước đây, hai vợ chồng nên duyên, có 3 người con gái. Chồng chị ở nhà chăn nuôi vịt và trồng rau. Chị vừa phụ chồng, vừa buôn bán nhỏ trong xóm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng rồi ngày đen tối đến khi chị phải thi hành án. 3 người con gái đành gửi về nhà ngoại để tiện chăm sóc. “Hồi đó, tôi khóc hết nước mắt, lo các con còn nhỏ, không biết ra sao. Bọn trẻ có được đi học hay phải bỏ học giữa chừng. Nhưng rồi tôi biết được, ngoài sự giúp đỡ của ông bà, chính quyền, các hội, đoàn thể cũng quan tâm động viên, hỗ trợ. Các cô chú vận động tập, sách, học bổng cho các con của tôi. Sau này, họ còn xét cho chồng tôi vay tiền để nuôi vịt. Bây giờ khi tôi trở về, hội lại tạo điều kiện cho vay để buôn bán. Quả thật, tôi mang ơn nhiều lắm!” - chị bộc bạch.

Người PN ấy trở về với đời thường, quyết tâm vươn lên. Chồng chị không được khỏe mạnh như bao người nên phần lớn công việc trong gia đình đều do một mình chị đảm nhận. Hàng ngày, chị thức khuya, dậy sớm để buôn bán. Tranh thủ giờ trưa vắng khách, chị lại đi mua thêm rau, củ của một số hộ dân xung quanh,... Nhìn sự tảo tần của chị, hàng xóm và những hộ buôn bán xung quanh đều cảm thương cho cuộc đời của chị. Họ luôn an ủi, động viên chị cố gắng làm việc để nuôi nấng các con.

Chủ tịch Hội LHPN Xã Mỹ Lộc - Đặng Thị Mỹ Phương nhận xét, đời người có những lúc mắc phải sai lầm nhưng quan trọng là bản thân biết sửa chữa và vươn lên. Chị Dung là tấm gương vượt khó, từ sự vận động của hội, hiện tại chị chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được hội tạo điều kiện để làm lại cuộc đời. 

Khi quyết định startup hay lập nghiệp riêng, chắc chắn bạn sẽ phải chấp nhận những rủi ro cũng như thử thách, khó khăn. Đối với PN, khó khăn này sẽ nhân lên gấp bội. Trên hành trình khởi nghiệp, tổ chức hội luôn đồng hành cùng các chị.

baolongan

Video