Những phụ nữ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo

04/08/2021
- Đắk Lắk: Chị Thúy Hằng, hội viên phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp với trà hoa đậu biếc
- Bình Định: Chị Hồng khởi nghiệp thành công từ nghề làm bánh tráng
- Đồng Tháp: Tuổi cao ý chí càng cao
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, hội viên phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp với trà hoa đậu biếc

- Đắk Lắk: Chị Thúy Hằng, hội viên phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp với trà hoa đậu biếc

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng sinh năm 1986, hiện cư trú tại tổ dân phố 1, phường Thiện An, sinh ra đã không được may mắn như những đứa trẻ khác, bác sĩ chẩn đoán chị bị câm, điếc bẩm sinh. Năm 2012 chị lập gia đình và sinh được 1 bé gái, tuy nhiên vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự không đồng điệu trong cuộc sống và rất nhiều lý do khác đã làm cho cuộc hôn nhân của chị tan vỡ. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chị trở thành một người mẹ đơn thân, phần vì lo kinh tế, phần vì thương con không cho con có một gia đình đầy đủ, nhiều đêm thức trắng với nhiều suy nghĩ đã làm chị mất ngủ trong một thời gian dài, sức khỏe giảm sút nhiều, hầu như không tập trung được trong công việc.

Trong một lần sinh hoạt chi hội, chia sẻ với các chị em hội viên là chị bị mất ngủ thường xuyên và đã được chị em hướng dẫn uống trà hoa đậu biếc chữa được bệnh mất ngủ. Sau đó, chị đã làm thử, từ hái hoa phơi khô rồi đến hãm trà uống, khoảng hai, ba ngày sau chị thấy tình trạng cải thiện rất nhiều, ngủ ngon giấc hơn. Nhờ đó, ý tưởng làm trà hoa đậu biếc để bán nảy ra giúp chị vừa có thêm thu nhập vừa phục vụ cho bản thân. Nghĩ là làm, chị đã tìm hiểu thêm trên mạng xã hội về công dụng của hoa đậu biếc ngoài trị bệnh mất ngủ còn có rất nhiều công dụng như làm đẹp, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho tim mạch, hữu ích cho bệnh tiểu đường… Từ đó, chị quyết định học cách trồng hoa đậu biếc để chế biến thành trà; tìm tòi, học hỏi cách trồng, chăm sóc, sơ chế để có thể giữ được màu sắc của hoa cũng như giá trị dinh dưỡng.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, ngay những mẻ đầu sau khi phơi khô cánh hoa bị nát nhiều, màu bị thâm, khi pha chế trà không được thơm ngon như những cơ sở khác sản xuất khác. Với quyết tâm không bỏ cuộc, chị tiếp tục học hỏi và thử nghiệm nhiều mẻ khác và đã rút ra được kinh nghiệm, phải hái hoa lúc sáng sớm khi nắng chưa lên và lựa trời thật nắng thì mới tiến hành phơi, trong lúc phơi không được đảo hoa nhiều, chỉ trở hoa 1 đến 2 lần để tránh nát cánh hoa. Sau nhiều nỗ lực và thất bại, những mẻ trà vừa đẹp, thơm ngon đã được sản xuất.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chị đã giới thiệu sản phẩm tới các chị em hội viên tại địa phương, dần dần được mọi người tin dùng và giới thiệu cho bạn bè, người thân cũng như tới các địa phương khác trong tỉnh. Mỗi năm thu được và bán ra thị trường khoảng 50kg trà, với giá 500 nghìn đồng/kg, thu về cho chị khoảng 25 triệu đồng/kg, trừ chi phí còn 20 triệu đồng/kg đã góp phần trang trải cuộc sống cho hai mẹ con, có cuộc sống kinh tế ổn định hơn. Gần đây, thông qua Hội LHPN phường Thiện An, chị đã vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mở rộng sản xuất nguồn hương liệu, mua thêm máy móc sơ chế sản phẩm thành bột để có thể dùng làm hương liệu chế biến trong các món ăn, nếu sản phẩm lần này triển khai thành công, chị mong sẽ được Hội LHPN hướng dẫn, hỗ trợ chị đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Với tinh thần vượt khó, sáng tạo khởi nghiệp, vươn lên phát triển triển kinh tế của một phụ nữ đơn thân, khuyết tật, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng xứng đáng là một tấm gương để chị em phụ nữ noi theo.

- Bình Định: Chị Hồng khởi nghiệp thành công từ nghề làm bánh tráng

Chị Lê Thị Hồng, sinh năm 1980, sinh ra và lớn lên ở thôn Cự Tài 1, xã Hoài Phú đã tìm tòi học hỏi cách sản xuất bánh tráng gạo bằng hệ thống máy móc hiện đại cho hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện tốt mô hình này, chị Hồng thường xuyên tham dự các lớp tập huấn và tìm hiểu thông tin trên mạng để bồi dưỡng thêm kiến thức pha chế bột và quy trình vận hành máy để cho ra những chiếc bánh đẹp, chất lượng. Chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH xã Hoài Nhơn và được Hội LHPN xã Hoài Phú hỗ trợ 1 triệu đồng để đầu tư lắp ráp dây chuyền sản xuất bánh tráng gạo gồm máy xay bột, máy đánh bột, hệ thống máy tráng và các loại vật tư, phụ kiện khác.

Mô hình tráng bánh bằng hệ thống máy móc hiện đại của chị Lê Thị Hồng

Cơ sở sản xuất bánh tráng được áp dụng công nghệ máy móc khá hiện đại, vì vậy, bình quân mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ khoảng 150kg gạo nguyên liệu cho ra từ 1900 - 2000 cái bánh tráng thành phẩm, mang lại doanh thu cho chị từ 500 - 600 nghìn đồng/ngày. Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng của chị Hồng hoạt động khá hiệu quả, thị trường tiêu thu ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho 3 - 4 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3.5 - 4 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm bánh tráng của chị Hồng chủ yếu trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn và địa bàn các huyện lân cận như Phù Mỹ và một số tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi.

- Đồng Tháp: Tuổi cao ý chí càng cao 

Bà Lê Thị Chính, sinh năm 1945, ngụ tại ấp Mỹ Phú C, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, dù tuổi cao sức yếu, bị bệnh tim nhưng do thiếu vốn làm ăn, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn, gia đình thuộc diện hộ nghèo từ trước năm 2015, bà đã tự lực vươn lên, thay đổi phương thức sản xuất. Do thiếu vốn, bà đã vay số tiền 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện; tận dụng mảnh đất 2.000m2 cải tạo vườn tạp chuyển đổi sang mô hình trồng các loại hoa màu như bắp, dưa leo, cà chua… Những loại hoa màu này dễ chăm sóc, thích hợp với vùng đất canh tác và thời gian cho quả ngắn ngày, thu hoạch nhanh, đã mang lại cho bà thu nhập bình quân 25 – 35 triệu đồng/năm.

Cán bộ hội phụ nữ và đoàn thể đến thăm, chúc mừng bà Lê Thị Chính

Hai người con cũng được bà định hướng đi làm thuê cho các công ty ngoài địa phương, với mức lương ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng/người. Từ đó, thu nhập bình quân của hộ gia đình bà từ 180 – 230 triệu đồng/năm. Trong thời gian ngắn, kinh tế gia đình bà Chính đã ổn định, hoàn vốn cho Ngân hàng CSXH huyện, đồng thời tích lũy số vốn kha khá xây dựng nhà ở khang trang hơn.

Bằng ý chí tự lực, tự cường vươn lên, hộ gia đình bà Lê Thị Chính đã thoát nghèo bền vững và được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tuyên dương  là hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu của tỉnh năm 2020.

Thanh Huyền; Đồng Tháp, Hoài Nhơn; Trần Thắng

Video