Những thanh niên “gom giấc mơ" chống biến đổi khí hậu

07/03/2022
Chứng kiến người dân địa phương xử lí pin đã qua sử dụng bằng rất nhiều cách nguy hiểm, những thanh niên nhiệt huyết của Quảng Ninh đã quyết định hợp sức với mục tiêu chung “đưa người trẻ tiếp cận gần hơn đến công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Các thành viên của nhóm GOMers

GOMers ra đời với nguyện vọng có thể giảm dần và chấm dứt cơn khủng hoảng về tác hại của những viên pin không được xử lý đúng cách đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội.

Khát vọng bảo vệ môi trường sống

Theo Nguyễn Thị Hoàng Anh - người sáng lập nhóm GOMers và hiện nắm vai trò điều hành dự án, GOMers được thành lập tháng 7/2021 bởi 5 thành viên đến từ trường THPT Uông Bí và THPT Hòn Gai. Cái tên GOM mang ý nghĩa là "Thế hệ gom giấc mơ chống biến đổi khí hậu".

Nguyễn Thị Hoàng Anh - người sáng lập nhóm GOMers.

Các thành viên của GOMers là những người từng góp mặt vào đêm chung kết cuộc thi hùng biện về môi trường Green Talk 2019. Kể từ đây, họ đã có những bước tiến xa hơn ra "tiền tuyến" chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng con đường đóng góp cho cộng đồng không dễ đi và cũng không bằng phẳng như họ nghĩ.

Nguyễn Thị Hoàng Anh kể: "Tôi từng đặt một câu hỏi "Tại sao mình muốn đóng góp cho cộng đồng cũng khó đến vậy?". Và đó cũng chính là câu chuyện của chúng tôi. Năm 2019-2020, nhóm đồng thời tổ chức 2 dự án mang tên "Đưa pin về nhà" và "Tears of pin" tại thành phố Uông Bí, Hạ Long. Dự án vẫn đang nhận được sự quan tâm của người trẻ nhưng phải dừng lại, vì đơn vị trung gian nhận thu gom pin của cả 2 thành phố bất ngờ ngừng hoạt động mà không có thông báo chính thức nào".

Hoạt động đổi pin lấy cây GOMers.

Khảo sát gần 300 bạn trẻ trên địa bàn tỉnh vào tháng 1/2022 của GOMers cho thấy, ở thời điểm của lứa học sinh cấp 3 hiện tại, có đến 77% học sinh chưa bao giờ mang pin đã qua sử dụng đến điểm thu gom. 88% học sinh chưa bao giờ tham gia dự án, tổ chức về xử lý pin đã qua sử dụng. Những con số này càng là động lực cho nhóm trong những nỗ lực tác động đến ý thức của giới trẻ trong việc bảo vệ môi trường.

Không có cách nào hiệu quả hơn là tuyên truyền, đó là cách mà GOMers xác định và triển khai tích cực bằng nhiều chương trình cụ thể trong những năm qua. Đối với công tác truyền thông trực tuyến, GOMers xây dựng các bài viết tuyên truyền về pin, bao gồm tác hại của pin, những nhận thức sai lệch của cộng đồng với pin,… trên trang mạng xã hội của các câu lạc bộ thành viên. Cùng với đó, GOMers liên kết với các đơn vị truyền thông khác trong cùng lĩnh vực để xin hỗ trợ truyền thông.

Đối với công tác truyền thông trực tiếp, nhóm tổ chức các buổi workshop nhằm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về vấn đề môi trường nói chung. Trong những hoạt động này, nhóm lồng ghép hoạt động "Đổi pin lấy cây" để thu hồi pin cũ đã qua sử dụng của người dân. Đây cũng là một trong những cách thức mà các thành viên đề cao để các bạn học sinh THPT - những nhân tố có tính lan rộng dự án GOMers hiểu về pin.

Những thanh niên tình nguyện "vác tù và hàng tổng"

Bạn Thanh Bình, một thành viên của GOMers cho biết, vấn đề về pin điện tử đang dần trở nên đáng lo ngại vì hậu quả của chúng để lại là rất nguy hiểm và khó lường, cùng với đó là sự thờ ơ, thiếu hiểu biết của đa số người dân về vấn đề này. Vì vậy, nhóm kêu gọi mọi người cùng hành động để hướng đến mục đích chung là khắc phục một cách triệt để nhất về pin thải điện tử cũng như góp phần xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai.

Còn thành viên Duy Hưng thì chia sẻ: "Môi trường chúng ta đang chết dần hàng ngày từ chính những thói quen, hay từ những bất cập còn chưa thể giải quyết. Chính từ giây phút đó, tâm trí tôi nhen nhóm ngọn lửa: hoặc là hành động, hoặc là chẳng còn nơi nào có thể sống".

Các thành viên của GOMers đều chung quyết tâm "Phải làm gì đó ý nghĩa cho mình, cho đời, cho môi trường" và mong trong tương lai, con người có thể giải quyết được triệt để các vấn đề môi trường còn đang tồn đọng và dần dần khôi phục được thiên nhiên nhiên về hình dạng ban đầu vốn có của nó.

Theo trưởng nhóm Hoàng Anh, các thành viên đã cùng nhau ngồi lại, chia sẻ về những trải nghiệm của mình với câu chuyện người dân xử lý pin. "Chúng tôi thấy người dân đem vứt chung với các loại rác thải khác, thấy người ta đem đốt, thậm chí còn chứng kiến người ta đem pin luộc với bánh chưng. Nguy hiểm là thế nhưng trong địa bàn tỉnh chỉ có một vài đơn vị làm về môi trường mà họ chỉ tập trung chính về rác thải nhựa.

Đơn vị trung gian từng nhận thu gom pin ở địa phương thì không có hoạt động tuyên truyền đủ rộng để người dân hiểu về ý nghĩa của việc thu gom pin, lại ngưng hoạt động đột xuất. Nhận thấy tầm nghiêm trọng của sự việc, chúng tôi đã quyết tâm cùng nhau làm điều mà mọi người vẫn thường nghĩ là "vác tù và hàng tổng" này".

"Có lẽ các bạn luôn giấu trong tim mình một lý tưởng đẹp, một ước muốn mà đôi lúc nghe chừng thật "viển vông". Nhưng chúng mình tin rằng, chữ "viển vông" ấy chỉ xuất hiện khi các bạn mãi để nó xa vời hiện thực. Sẽ luôn có người hoài nghi, không trân trọng những đêm bạn miệt mài nghiên cứu về biến đổi khí hậu, những ngày bạn nằm trong viện vì đã quá kiệt sức cho lý tưởng của mình. Nhưng cũng sẽ có những người như chúng mình, hiểu điều tuyệt vời đó của bạn.

Hãy can đảm gỡ bỏ "nút thắt" đang ghìm bạn ngưng đọng lại và đến với công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu nhé. Vì ở đó bạn sẽ gặp được chúng mình, gặp được rất nhiều bạn trẻ giống bạn và gặp được chính bạn trong một phiên bản hoàn thiện hơn - một người trẻ dám nghĩ dám làm!".

PNVN

Video