Ninh Thuận: Nữ Nghệ nhân xứng danh “bàn tay vàng thổ cẩm”

16/04/2022
Dành trọn vẹn tình yêu cho sản phẩm thổ cẩm dân tộc, nghệ nhân Thuận Thị Trụ thành lập cơ sở dệt thổ cẩm rồi phát triển lên thành công ty, cách điệu hơn 50 mẫu hoa văn và đưa thổ cẩm Mỹ Nghiệp xuất khẩu ra khắp thế giới.
Nghệ nhân Thuận Thị Trụ bên khung dệt thổ cẩm Chăm.

Từ giã nghề giáo để dấn thân trọn vẹn vào phát triển ngành nghề truyền thống dân tộc, nghệ nhân Thuận Thị Trụ ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã làm các cuộc cải cách rất quan trọng cho thổ cẩm. Bà đã thành lập cơ sở dệt thổ cẩm rồi phát triển lên thành công ty, cách điệu hơn 50 mẫu hoa văn và đưa thổ cẩm Mỹ Nghiệp xuất khẩu ra khắp thế giới.

Dệt thổ cẩm Chăm có mặt từ rất lâu đời, hiện vẫn được truyền lưu ở nhiều vùng miền, trong đó, Mỹ Nghiệp (Chakleng) ở Ninh Thuận là làng dệt thổ cẩm lớn và nổi tiếng nhất.

Xưa nay, người Chăm làm ra các sản phẩm thổ cẩm để phục vụ cho phong tục tập quán, một ít để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Nghề này đã có thời gian đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, mãi đầu những năm 1980, dệt thổ cẩm Chăm mới được phục hồi trở lại. Thế nhưng, hàng sản xuất chủ yếu là hàng thô với số lượng rất nhỏ, tự cung, tự cấp là chính, số còn lại được mang bán cho đồng bào Tây Nguyên. Thế nhưng, từ khi cơ sở dệt thổ cẩm của nghệ nhân Thuận Thị Trụ ra đời tại làng Mỹ Nghiệp, nhiều mẫu hoa văn cổ được bà nghiên cứu, phục hồi, sáng tạo trên vải thổ cẩm để phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, từ đó, thổ cẩm Chăm mới phát triển mạnh.

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ (tên thường gọi là cô Hani) từng là giáo viên mẫu giáo ở Hiếu Lễ, sau đó, bà làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Hậu. Đến năm 1982, bà chuyển về Phòng Giáo dục huyện Ninh Phước làm cán bộ chuyên trách giáo dục mầm non, năm 1988 thì bà xin thôi việc.

Từ quê cha (thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) chuyển về quê mẹ Chakleng sinh sống là một bước ngoặt mang tính quyết định với nghệ nhân Thuận Thị Trụ. Bà phát hiện ra tiềm năng thổ cẩm của dân tộc mình. Thổ cẩm lúc đó chỉ có bà Phú Thị Mở đang nắm độc quyền hàng cao cấp phục vụ cho khách hàng chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn Hợp tác xã Mỹ Nghiệp mãi loay hoay chưa tìm được đầu ra cho mặt hàng thổ cẩm.

Năm 1991, nghệ nhân Thuận Thị Trụ thành lập Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm tại làng Mỹ Nghiệp với 10 công nhân, tạo một sức bật mới cho thổ cẩm Chăm. Tháng 3-1993, bà vào thành phố Hồ Chí Minh mở quầy bán lẻ tại Thương xá TAX, trung tâm thương mại lớn nhất thành phố. Đến tháng 11-2000, Công ty TNHH Dệt may thổ cẩm Chăm INRAHANI được thành lập, mở rộng sản xuất và buôn bán. Từ đó, hàng thổ cẩm INRAHANI có mặt khắp thị trường trong nước và cả xuất khẩu ra nước ngoài.

Từ giã nghề giáo để dấn thân trọn vẹn vào phát triển ngành nghề truyền thống dân tộc, nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã tạo nên các cuộc cải cách rất quan trọng cho thổ cẩm Chăm. Bà sưu tầm hoa văn Chăm truyền thống (trong dân và được lưu giữ ở Bảo tàng Pháp), từ đó, cách điệu hơn 50 hoa văn khác. Đồng thời, chuyển hoa văn từ khung Jih Dalah sang hoa văn khung Aban Khan, tăng năng suất sản xuất lên nhiều lần.

Từ năm 1998, bà là người đầu tiên nghiên cứu, cải tạo cách dệt truyền thống của người Chăm từ lối dệt thủ công thành bán công nghiệp, nhanh hơn, hiện đại hơn. 7 năm sau, lối dệt này phát triển đại trà ở Mỹ Nghiệp. Nâng cấp kỹ thuật dệt, nhưng bà vẫn bảo lưu và duy trì sản xuất thổ cẩm cổ truyền. Từ vải thô, bà nghiên cứu chế tác gần 300 mẫu mã các loại. Cơ sở dệt của bà tạo công ăn việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định.

Nói về thổ cẩm của INRAHANI, bà Lê Thị Nhâm Tuyết, nguyên Giám đốc CGFED, Thời báo Kinh tế Việt Nam viết: “INRAHANI chính là câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tức là tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách hàng mà không làm mất đi vai trò quan trọng của nó trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Thuận Thị Trụ là người đầu tiên tham dự rất nhiều hội chợ, triển lãm lớn trong nước: Hội chợ Quang Trung (tháng 8-1996), Hội chợ Giảng Võ (tháng 9-1996), Triển lãm Dinh Thống Nhất (tháng 10-1997), Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao do Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức (tháng 2-1998)... Bà cũng là người tích cực giới thiệu thổ cẩm Chăm ra nước ngoài qua các hội chợ, triển lãm quốc tế: Thụy Sỹ (tháng 3-1998 và tháng 3-2000), Pháp (tháng 3-2000), Nhật Bản (tháng 5-2000 và tháng 6-2001), Singapore (tháng 1-2002), Bỉ (năm 2007), Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia... 

Nghệ nhân Thuận Thị Trụ là người đầu tiên và duy nhất đoạt 4 Huy chương Vàng và Huy hiệu “Bàn tay Vàng” do Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cấp ngày 3-9-1996, tại Hà Nội.

Từ nguồn thu nhập sản xuất, kinh doanh thổ cẩm, nghệ nhân Thuận Thị Trụ lập Quỹ INRAHANI làm công ích xã hội. Quỹ INRAHANI đã tặng sách cho thư viện làng, tặng phần thưởng cho học sinh làng, học sinh mẫu giáo huyện Ninh Phước; giúp tiền người tàn tật, hỗ trợ mổ đục thủy tinh thể cho bà con thuộc huyện Ninh Phước. Giám đốc INRAHANI đã dùng uy tín của mình xin quỹ của Đại sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch và nhà mẫu giáo cho làng Mỹ Nghiệp, là những việc làm có ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương Ninh Phước ngày càng giàu đẹp hơn.

bienphong

Video