Nữ doanh nhân 8X xuất khẩu xoài sang Mỹ đầu tiên

20/05/2021
Việc trái xoài được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ đã tạo một tiếng vang không nhỏ cho danh tiếng cho nông sản Việt trên trường quốc tế, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Nữ doanh nhân 8X Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái Cây Chánh Thu

Nữ doanh nhân 8X Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái Cây Chánh Thu, doanh nghiệp xuất khẩu quả xoài đầu tiên sang Mỹ vào năm 2019 và xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật vào năm 2020 ứng cử đại biểu Quối hội khóa XV và HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2021 - 2026.   

Người tìm đường ra cho trái cây Bến Tre

Sinh ra và lớn lên từ quê hương Chợ Lách - vùng đất được mệnh danh “Cây lành trái ngọt”, là xứ sở của các loại giống cây trồng có tiếng khắp Việt Nam và Quốc tế.

Nữ doanh nhân 8X Ngô Tường Vy được Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre giới thiệu Ứng cử đại biểu Quốc Hội, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre.

Phụ giúp cha mẹ công việc kinh doanh, bản thân từng tận mắt chứng kiến những thất bại đến trắng tay, rơi vào bế tắc nhưng đó chính là động lực rất lớn để Tường Vy rèn luyện, phấn đấu vươn lên, quyết tâm vượt qua nghèo khó và cùng cha mẹ xây dựng sự nghiệp như ngày hôm nay. "Những trải nghiệm đó đã trở thành kinh nghiệm sống quý báu và cũng là kinh nghiệm vô giá trong nghề nghiệp mà tôi đã có được".

 Mặc dù giữ vai trò phó giám đốc nhưng ít người biết rằng, bà Vy lại là người đặt nền móng cho sự phát triển của Công ty Chánh Thu từ những ngày đầu thành lập.

Chia sẻ trong một lần phỏng vấn, bà Vy cho biết vào năm 2008, với khát khao mang đặc sản của quê hương Bến Tre ra thị trường thế giới, bà đã quyết định bỏ dở việc học về nối nghiệp gia đình, tìm đường xuất khẩu cho trái cây.

Trước đây, bố mẹ bà Vy là chủ vựa trái cây Chánh Thu, chuyên xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đó bà Vy đã tạo bước đi khác biệt và chuyên nghiệp, xây dựng vùng trồng nguyên liệu với tiêu chuẩn khắt khe.

Bà Vy kể lại rằng, lúc bấy giờ bà đi đến từng vùng quê, gặp từng người nông dân tư vấn, định hướng và thay đổi tư duy của họ.

"Mỗi người nông dân là một mắt xích trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, vì vậy, không ai khác, họ phải là chủ thể làm ra giá trị của mỗi nông sản. Mỗi lần gặp nông dân tôi đều truyền thông điệp đó và họ đã cùng tôi tạo nên sự thay đổi lớn về đường ra thế giới của trái cây Bến Tre”, bà Vy chia sẻ trên báo giới.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được chuỗi liên kết để tạo giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu quốc gia Make in Việt Nam ra thế giới”, bà Vy cho hay.

Năm 2009, doanh nhân Ngô Tường Vy đã phát triển vựa trái cây Chánh Thu thành Công ty Chánh Thu và hiện nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu một số sản phẩm trái cây Việt Nam như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, bưởi, nhãn, dừa, vải… qua các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Úc, Đài Loan…

Đặc biệt, Chánh Thu là công ty đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được quả xoài sang Mỹ, quả vải sang Nhật. Hiện tại, Chánh Thu đang xuất khẩu trái cây sang 12 nước, trong đó, Mỹ là thị trường chiếm số lượng lớn nhất.

Đầu năm 2019, Chánh Thu cùng Bộ Nông nghiệp đã tổ chức một buổi lễ tưng bừng giới thiệu lô xoài đầu tiên đi Mỹ. Đằng sau những nụ cười tươi rói của người trong cuộc là những vất vả mà ít ai biết được. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tốn 10 năm đàm phán để có cái gật đầu của người Mỹ cho phép thêm xoài Việt đi vào thị trường này. Chánh Thu có 1 năm chuẩn bị, nhưng quả thật họ cũng căng thẳng chẳng kém.

Việc trái xoài được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ đã tạo một tiếng vang không nhỏ cho danh tiếng cho nông sản Việt trên trường quốc tế. Thế nhưng theo bà Vy, việc đưa các loại nông sản Việt Nam đến với các thị trường khó tính như Úc, Mỹ hay Nhật gần như là để làm thương hiệu, hơn là có ý nghĩa về mặt doanh thu. Vì hiện tại, các loại nông sản, cụ thể là trái cây của chúng ta vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với trái cây các nước khác trên những thị trường này do giá mắc hơn nhiều loại xoài ở các nước khác, chủ yếu là bởi vận chuyển xa dễ bị hư hại và chi phí logistics quá cao. Xoài Mexico/Guatemala và các nước khác giá rất rẻ do chi phí vận chuyển thấp, cũng như không phải chịu phí chiếu xạ.

Thế nên, để trái cây Việt có thể thắng thế trên tất cả thị trường, từ dễ tính đến khó tính và người nông dân có thể sống tốt trên mảng vườn của mình, cả hai phía nông dân lẫn doanh nghiệp cần sự phối hợp nhịp nhàng: làm ra sản phẩm có chất lượng và số lượng ổn định, với giá cả hợp lý.

Những lô xoài đi Mỹ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, chúng ta không nên vin vào đó để ngừng cố gắng và tự mãn cho rằng nền nông nghiệp Việt hay các loại trái cây Việt đã có thể tung hoành khắp nơi.

Để có 8 tấn xoài đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, Chánh Thu đã ‘dụng tâm lương khổ’ với rất nhiều chặng đường vất vả và khó khăn.

Đầu tiên, Chánh Thu phải chuẩn bị vùng trồng. Vùng trồng canh tác xoài đi Mỹ sẽ phát triển từ vùng trồng xoài đi Úc hoặc VietGap của công ty, thêm vào đó là phải bổ sung các tiêu chuẩn riêng mà Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu tuân thủ.

Quy trình sản xuất chuẩn Mỹ rất khó, nhất là trong khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu, đây là vấn đề đau đầu nhất. Trong bộ tiêu chuẩn chính thức của Mỹ, có 8 hoạt chất bị cấm và tuyệt đối phải tuân thủ, còn các hoạt chất còn lại thì phải đăng ký, sử dụng liều lượng theo quy định cụ thể.

Ngoài ra, bà Vy cũng phải tuân thủ chính xác 100% quy chuẩn từ hàm lượng phân bón bồi bổ, kỹ thuật phun thuốc, thu hái, đến tỉa trái ra sao,.. Khi trồng xoài xuất khẩu đi Mỹ chắc chắn phải bao trái, tỉa bớt trái để nuôi trái có trọng lượng lớn, giúp tỷ lệ đạt tiêu chuẩn sẽ cao hơn. Theo bà Vy, nếu vườn của nông dân canh tác tốt, trái đạt chuẩn đi Mỹ sẽ từ 60% đến 80%.

Thêm vấn đề nữa, chất lượng và mẫu mã trái phụ thuộc hoàn toàn vào người nông dân ở các vùng nguyên liệu, Chánh Thu chỉ kiểm soát mọi thứ ở một mức độ nào đó, nên họ cũng khá lo lắng.

Cuối cùng, sau khi đã chọn từng trái ở vùng trồng – thường nằm trong các hợp tác xã, khi về tới công ty, Chánh Thu lại phải loại bỏ thêm khoảng 20% nữa do hư hại trong quá trình vận chuyển và đóng gói. Tiếp theo, Chánh Thu mang số lượng xoài đó đi đóng gói – bảo quản – chiếu xạ theo quy định. Việc kiểm tra dư lượng thuốc, công ty đã thực hiện tại những cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo an toàn từ các lô hàng.

Tìm "ngách" để "lách"

Luôn tâm niệm, nông sản Việt Nam hiện phải cạnh tranh với nhiều nông sản trên thế giới, nên chúng ta cần phải lấy sự phát triển, khuynh hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên thế giới làm kim chỉ nam cho sự phát triển chung cho nền nông nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị nghiêm túc, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ bị tụt hậu và càng ngày càng bị lép vế trên trường quốc tế.

Năm 2020, Công ty Chánh Thu cũng gặp rất nhiều thử thách do dịch bệnh, đặc biệt, là việc xuất khẩu trái cây tươi càng thêm khó khăn về vận chuyển, bảo quản do cấm biên, cách ly xã hội… Bà Ngô Tường Vy nhanh chóng tìm ra giải pháp mới…

Qua khảo sát thị trường các nước và xu hướng tiêu dùng của người dân, chị Vy chuyển hướng đầu tư hoa quả khô và đông lạnh. Trong đó, sản phẩm chủ lực là sầu riêng đông lạnh.

Chuyến xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đầu tiên sang thị trường Mỹ vào tháng 6/2020. “Sầu riêng đông lạnh được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, tôi rất bất ngờ. Nhờ bước thay đổi đó, mà năm 2020 chúng tôi vẫn đạt được tăng trưởng 40%. Và điều quan trọng nhất là mang được sản phẩm đặc trưng của quê hương chinh phục thị trường thế giới”, bà Vy chia sẻ.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được chuỗi liên kết để tạo giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu quốc gia Make in Việt Nam ra thế giới”, bà Vy nói.

DIENDANDOANHNGHIEP.VN

Video