Nữ doanh nhân giúp nông dân chuyển đổi số

08/07/2022
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, người từng so sánh nông sản Việt với hình ảnh “cô gái quê danh giá” đã “thổi lửa” cho một số nông gia tiêu biểu tạo lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số đầu tiên tại Bình Phước (HTX) từ tháng 2/2022.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (chính giữa) tham gia hoạt động trưng bày của HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, chuyên đề “Nông nghiệp - Giải pháp phát triển cho nông sản Việt”, bà Thực từng phát biểu rằng nông sản Việt chỉ như một cô gái đẹp nhưng chỉ thụ động ngồi ở nhà, chờ người khác đến hỏi mua. Những lời nói của bà đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận ở thời điểm ấy.

Vào tháng 2/2022, bà Thực trực tiếp đến Bình Phước, gặp gỡ và trao đổi với các nông dân tiêu biểu về đường hướng thành lập HTX với sứ mệnh liên kết, hỗ trợ các nông gia ứng dụng số vào sản xuất. Ngay sau đó, nhờ sự kết nối của địa phương, các nông dân tiên tiến đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân TX. Phước Long và ra mắt Ban Vận động thành lập HTX gồm 6 thành viên, trong đó có sự tham gia của ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐT, TM&DL) tỉnh Bình Phước - nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước.

Ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước

Mục tiêu lớn nhất của việc thành lập HTX là tạo liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm cho nông sản Bình Phước. Bà Thực nhấn mạnh, những nông gia nào không thể tự đi một mình thì cần đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi.

Quy trình thành lập HTX đã hoàn thành vào tháng 5/2022; trong đó, gồm 12 nhân sự nòng cốt (3 lãnh đạo và 9 thành viên). Giám đốc HTX là nông dân ưu tú Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ Nông trại Thiên Nông (H. Bù Gia Mập, Bình Phước) - một thanh niên rất tâm huyết trong xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhất là quả bơ Bình Phước. Anh Nguyễn Minh Hiếu, Chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm (H. Phú Riềng, Bình Phước) và chị Phạm Thị Vân, startup tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre và trong tư vấn về nhu cầu thị trường là các Phó Giám đốc HTX. Các thành viên còn lại gồm: doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (tỉnh Bắc Giang), người khởi xướng việc ứng dụng nền tảng Nông nghiệp số AutoAgri; anh Nguyễn Thanh Minh, Chủ Nông trại Micfarm (TX. Phước Long); chị Mai Thị Tươi, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và phân bón lớn ở tỉnh Thái Bình cùng các nông dân trẻ tiên tiến khác...

HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản. Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, thông tin minh bạch, chính xác, kết nối cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin về thị trường. Anh Hoàng kỳ vọng HTX sẽ góp sức để nâng tầm giá trị, thương hiệu của nông sản; tích cực xây dựng thị trường trong và ngoài nước cho nông sản, giúp nền nông nghiệp Bình Phước phát triển. Việc tham gia HTX giúp những người nông dân giải quyết khâu bảo quản giống với phương pháp ướp đông bằng nitơ; qua đó, giảm thiệt hại về tài chính do hàng bị tồn đọng, hư hỏng.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX (thứ 4, phải sang) và ông Trần Quốc Duy, Giám đốc TT XTĐT, TM&DL tỉnh (thứ 5, trái sang) ký kết BBGNHT

Dịp này, HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (BBGNHT) với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước; qua đó, 2 bên sẽ phối hợp xây dựng chuỗi kết nối các hợp tác xã, nhà nông trong tỉnh với kênh thu mua cuối cùng góp phần xây dựng và phát triển thị trường trong và ngoài nước bền vững, ổn định cho nông sản.

Đồng thời, 2 bên sẽ cùng tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu sản phẩm/ dịch vụ khoa học công nghệ, đặc biệt về chuyển đổi số giữa các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp KHCN trong và ngoài nước với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX, nhà nông tại Bình Phước có nhu cầu áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, HTX đã ký kết BBGNHT với Sở Công thương và Hội Nông dân tỉnh.

Việc ra đời HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất - kinh doanh, nông hộ tiếp cận với chuyển đổi số hiệu quả nhất nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động mở rộng thị trường đầu ra, thu hút nguồn khách hàng đa dạng và giảm bớt khâu trung gian để gia tăng lợi nhuận.

Thắng Trân

Video