Phụ nữ dân tộc thiểu số Cơ Tu ở Quảng Nam phát triển kinh tế bền vững với cây ớt Ariêu

28/03/2022
Nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào và phụ nữ dân tộc thiểu số Cơ Tu thông qua việc sản xuất cây ớt A Riêu (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ươm ớt giống và đến kỳ thu hoạch

Cải thiện sinh kế từ cây ớt

Là xã nằm ở phía Tây của huyện Đông Giang, Mà Cooih chịu ảnh hưởng của khí hậu Bắc Hải Vân và dãy núi Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) thời tiết thường ảnh hưởng đến mùa vụ và sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên cây ớt A Riêu lại rất phù hợp nên phát triển tốt và cho trái chất lượng cao. Đặc biệt, qua bàn tay khéo tài của những người phụ nữ Cơ Tu, những năm qua cây ớt A Riêu đã trở thành một trong những loài cây đặc sản của núi rừng Quảng Nam, mang đến cho thị trường trong và ngoài tỉnh thêm nhiều sản phẩm đặc trưng, bắt mắt.

Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ năm 2016, Hội Phụ nữ xã Mà Cooih, huyện Đông Giang rà soát nhu cầu về trồng cây ớt Ariêu để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên, ban đầu chỉ có 16 hộ đăng ký tham gia mô hình.

Quyết tâm triển khai, Hội đã phối hợp tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ thuật, trong đó có 4 lớp nâng cao năng lực canh tác ớt cho 121 người tham gia (hơn 77% là nữ); 2 lớp tập huấn quy trình thu hoạch, chế biến và bảo quản ớt cho 40 người (87,5% là nữ) và 1 lớp tập huấn truyền thông marketing với 10 người tham gia (80% là nữ).

Với sự hỗ trợ mỗi hộ được 100 cây giống, chị em đã đầu tư chăm sóc và thu hoạch mỗi cây được 0,3 kilogam, (200 trăm ngàn đồng/1 kilôgam ớt). Vụ đầu tiên thu được 6 triệu đồng/hộ. Năm 2017, các hộ tham gia mô hình mở rộng diện tích và trồng thêm 2 ngàn cây, thu nhập hàng năm ở mỗi hộ gia đình không ngừng cải thiện. Đến nay tổng diện tích ớt Ariêu đã lên tới 30 ha (tương đương 60 ngàn cây). Giống ớt A Riêu cho quả nhỏ nhưng có vị cay và mùi thơm đặc trưng, là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên của núi rừng Đông Giang.

Ớt Ariêu được chế biến thành phẩm

Phối hợp mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo chuỗi giá trị và thúc đẩy bình đẳng giới

Nhằm không ngừng phát huy tiềm năng kinh tế của ớt A Riêu, Trung tâm Khuyến nông huyện Đông Giang đã chọn một số hộ trong mô hình và thành lập Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Mà Cooih chuyên trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm ớt A Riêu.

Từ khi được thành lập, HTX đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Để thực hiện được mục tiêu này, HTX đã cùng Dự án Trường Sơn Xanh (do USAID tài trợ) bảo tồn và sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý kinh tế nông hộ, cải thiện tình trạng bình đẳng giới trong lao động sản xuất ở các cộng đồng người Cơ Tu. Điều đáng chú ý là HTX đã thực hiện khá tốt việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, chú trong tạo việc làm cho phụ nữ tại vườn ươm, ưu tiên lao động nữ tham gia vào quy trình chế biến ớt, bán sản phẩm và tham gia các hội chợ thương mại cấp tỉnh, huyện

Hiện tại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt A Riêu ngày càng thuận lợi nhờ việc HTX tập trung đẩy mạnh quảng bá và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hàng năm HTX còn ươm cây giống cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu phát triển cây ớtt A riêu. Chất lượng cây giống được đảm bảo, do đó mỗi năm số lượng cây giống xuất vườn lên tới trên trăm nghìn cây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể đối với các thành viên trong HTX và phụ nữ.

Giờ đây, có dịp đi ngang qua đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đoạn từ thị trấn P’Rao trung tâm huyện Đông Giang vào thôn A Sờ, xã Mà Cooih, trên những sườn đồi hai bên đường ngày nào cũng có những phụ nữ Cơ Tu, vai địu con đang bận rộn với việc trồng trọt, thu hái ớt. Được biết, từ cây ớt A riêu này đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho hộ gia đình sản xuất.

Minh Ánh

Video