Phụ nữ Hậu Giang “5 sao”

22/07/2022
Những món chế biến từ cá thát lát đạt chuẩn 4 sao của Hợp tác xã Nông nghiệp Kỳ Như do chị Nguyễn Kim Thùy luôn làm thực khách một lần ăn bao lần nhớ...
Chị Nguyễn Kim Thùy nhận chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao tặng.

Chị là Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kỳ Như, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Điều đặc biệt không thể không nói đến vị Giám đốc này là chỉ học đến lớp 9 mà thôi!

Vạn sự khởi đầu nan

Gần 50 tuổi đời nhưng chị đã có 30 năm bươn chải; nhắc đến chị là nhắc đến quãng đời đầy sướng khổ của những tháng năm mưu sinh với biết bao nghề.

 Năm 19 tuổi (năm 1993), chị Thùy xuất giá. Cái tuổi còn quá trẻ để va chạm với đời thì chị và chồng đã phải lăn lộn kiếm tiền. Số là gia cảnh mẹ cha đôi bên không mấy khá nên lúc ra riêng, vợ chồng chị phải vay mượn bên ngoài và mượn bằng khoán của người thân để vay tiền làm ao nuôi cá trê, vụ đầu hên nên có lời chút đỉnh. Vậy là anh chị mở rộng ao, đầu tư lớn, nhưng đâu phải vợ chồng này muốn là được…

Củng cố lại vốn, anh chị lại đầu tư nuôi cá tra, cá rô đầu vuông, nuôi bò, mua đi bán lại cá ở chợ Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh), rồi bán quán ăn… Lần nào đầu tư chị cũng có lời có lỗ, có lúc lời cao có lúc thua trắng tay. Những lần “mẹ thành công” ập đến, chị không gục ngã mà kiên cường chống chọi, thay đổi tư duy làm ăn để sau đó thu gom quả ngọt, tích lũy cho những đại thành công hôm nay.

Nợ duyên của chị Thùy gắn liền với con cá, nhất là cá thát lát nên lần bán quán ăn, chị lại chọn cá này làm vật chính chế biến phục vụ khách. Không phụ lòng người, thát lát đã giúp chị có những món ngon đầu tay mà như bây giờ chị luôn nhắc: “nó và mình mắc nợ nhau”.

Lần đánh dấu sự nghiệp với cá thát lát đầy nợ duyên là khi chị bắt tay vào chế biến, đóng gói món cá thát lát tẩm gia vị (còn xương) bán cho người quen. Chỉ vài lần bán và quảng bá… gửi: “ai mua thêm chỉ em”, mà đặc sản này làm không kịp bán.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng của Hợp tác xã Kỳ Như trưng bày tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Hậu Giang

“Từ đó, tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng cá thát lát ngày càng nhiều. Cá thát lát nhiều xương, bà con mình chỉ biết nạo chả, tôi suy nghĩ, làm thế nào để cá vẫn còn nguyên vẹn mà không còn xương để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, đặc biệt là phục vụ cho người già và trẻ nhỏ. Nhiều lần mài mò nghiên cứu, cuối cùng, tôi đã thành công, cho ra đời sản phẩm cá rút xương tẩm gia vị Kỳ Như. Sản phẩm cá rút xương được nhiều người tiêu dùng quan tâm sử dụng và nhận nhiều lời khen. Kết quả ấy giúp tôi có thêm động lực để nghiên cứu thêm nhiều món ngon nhằm đáp ứng cho người tiêu dùng khó tính”, chị Thùy cho biết thêm.

Ngần ấy năm “lên bờ xuống ruộng”, đến giữa giai đoạn “tam thập” thì cái tên Nguyễn Kim Thùy mới “nhi lập” vững vàng. Chị Thùy đúc kết xương máu rằng: “Đúng như câu “Thất bại là mẹ thành công”, nhưng làm “mẹ” khi chúng ta biết đó là bài học quý nên phát huy cái tốt và nên dừng lại ở những chuyện chưa chín muồi, không nên mạo hiểm, đánh đu với vốn liếng và sức mình; khi làm là làm thật, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề nghiệp. Cũng vì chân thật mà những lần thua lỗ, họ hàng ai cũng thương mà cho mượn vốn đầu tư lại”.

Để đáp ứng thị hiếu người dân ngày càng nhiều, chị Kim Thùy phải mua cá thát lát số lượng lớn về sơ chế, chế biến và mua thêm kho đông để trữ, phòng khi ai có nhu cầu số lượng lớn mà cung cấp ngay. Khi không còn sức quay vòng với quy trình ấy, vợ chồng chị Thùy tính đến chuyện nuôi cá giống, cá thịt và tổ chức sản xuất lớn, sản xuất sạch - hóa thân con cá thát lát Hậu Giang vốn nhiều vẩy, đầy xương thành món ăn thơm ngon giòn dai, một lần ăn bao lần nhớ.

Xuất sắc 5 sao

Tiêu chuẩn nhiều sao thì đắt được áp dụng cho nhiều sản phẩm, vật thể, với món ngon vật lạ của chị Thùy cũng không ngoại lệ.

Tâm sáng, tính hòa, chị Nguyễn Kim Thùy luôn chú trọng đến sản xuất thật, sản phẩm chất lượng, luôn nhiệt tình, hòa đồng với mọi người nên cơ sở chị Thùy ngày càng đông về số lượng người lao động, mạnh về chất lượng hàng hóa, cạnh tranh từ cấp huyện, ra tỉnh và cả nước.

Cá thát lát rút xương tẩm gia vị đang trình công nhận 5 sao của Hợp tác xã Kỳ Như.

Thực hiện chủ trương xây dựng chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, năm 2018, được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp vận động, chị Thùy đăng ký ngay để khẳng định thương hiệu của mình; mở rộng quy mô sản xuất, đến năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp chế biến cá thát lát Kỳ Như do chị làm Giám đốc, ban đầu có 11 thành viên, nay là 52 thành viên. Bật mí về tên gọi Kỳ Như, chị Thùy nói đó là mong muốn, kỳ vọng về tương lai như những gì mình mơ ước.

Với lòng nhiệt huyết chưa bao giờ tắt, từ khi làm chủ Hợp tác xã, chị không ngừng học hỏi và mở rộng sản xuất, đến nay, Hợp tác xã Kỳ Như có cả vùng nguyên liệu (cá giống, ao nuôi cá thịt), khu sơ chế, chế biến, đóng hộp thành phẩm. Có đến 14 sản phẩm làm từ cá thát lát, trong đó có 7 sản phẩm từ cá thát lát mang tên Kỳ Như được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: Cá thát lát rút xương tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm vị sả ớt, chả cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, cá thát lát nạo, bánh phồng cá thát lát; ngoài ra, còn có sản phẩm khô cá sặc rằn một nắng (khô lạc) đạt OCOP 4 sao. Tâm sự thêm, chị Thùy nói: Có vùng nuôi, sản xuất khép kín như vậy là để tôi dễ kiểm soát hoàn toàn được đầu vào và đầu ra sản phẩm của mình. Như với cá bố mẹ, thời gian đủ trưởng thành tôi mới cho đẻ trứng; với cá thịt, phải đủ thời gian sinh trưởng mới xuất ao; trước khi xuất phải kiểm tra phân tích kháng sinh cấm mới đưa cá lên bàn chế biến; từ khi sơ chế đến ướp đá là bao nhiêu thời gian; hay thời gian nào là thích hợp cạo thịt… Toàn bộ quy trình phải tuân thủ nghiêm ngặt để ra thành phẩm món cá thát lát chuẩn 4 sao, không được lơ là bất cứ công đoạn nào.

Với cách làm như vậy mà đến nay, Hợp tác xã đã sở hữu rất nhiều bằng, công nhận, tiêu biểu như: Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp nhãn sản phẩm cho cơ sở Kỳ Như do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; 2 bằng Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực với sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị và chả cá thát lát tươi do Cục trưởng Cục Công thương địa phương cấp. Bộ trưởng Bộ Công thương đã cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia với sản phẩm chả cá thát lát tươi. Và gần đây, Hợp tác xã Kỳ Như đạt chứng nhận “Cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như - sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long”, “Sản phẩm vì sức khỏe người Việt”, “Sản phẩm thương hiệu vàng”, “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2022”…

Hiện nay, Hợp tác xã Kỳ Như đang hợp tác và cung ứng sản phẩm cho 20 đại lý, cửa hàng đặc sản trong cả nước và hệ thống các siêu thị Co.opMart, Mega, Vinmart,… với sản lượng cung cấp trên 500 tấn sản phẩm cá thát lát/năm.

Chả cá thát lát tươi Kỳ Như đang trình công nhận 5 sao của Hợp tác xã.

Người phụ nữ Nguyễn Kim Thùy bước đầu thành công đang xúc tiến đăng ký để được công nhận 2 sản phẩm: cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như và chả cá thát lát tươi Kỳ Như đạt chuẩn OCOP 5 sao, vươn tầm xuất khẩu.

Để 5 sao sớm thành hiện thực, chị Nguyễn Kim Thùy thông tin, đang đầu tư thêm cơ sở vật chất, siết chặt hơn quy trình chế biến khén kín, sạch, an toàn. “Mình làm ăn đó giờ chỉ để người khác mất uy tín với mình chứ ngược lại thì không. Để con cá nợ duyên tiếp tục cùng mình “bơi xa” thì mình sẽ không ngừng học hỏi, phấn đấu hơn nữa; Uy tín - Chất lượng là điều mình không bao giờ xem nhẹ, bởi cơ sở còn có hàng trăm người phụ thuộc, sản phẩm làm ra không chỉ mang danh Kỳ Như mà còn là hình ảnh của Hậu Giang”, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như khẳng định.

* * *

Ngưỡng cửa cấp 3 với chị là ước mơ, nhưng Giám đốc thành đạt là mơ ước của nhiều người. Ba, bốn sao với chị chỉ trong tầm tay, 5 sao là điều chắc chắn. Với thành tựu đạt được, chị Nguyễn Kim Thùy vừa hoàn thành báo cáo thành tích, trình cấp thẩm quyền xem xét tặng danh hiệu “Tài năng nữ Việt Nam” .

Chị Nguyễn Kim Thùy chia sẻ: Tôi luôn ý thức trách nhiệm đóng góp công sức mình với địa phương, đó là chia sẻ, hỗ trợ chị em có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Đã giúp 21 hộ chị em ở xã thực hiện mô hình nuôi cá thát lát rất hiệu quả; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 35 người lao động nữ với mức thu nhập từ 4,8-7 triệu đồng/tháng; nam 17 người, lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Thường xuyên tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới; đóng góp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tặng quà cho gia đình khó khăn, phụ nữ nghèo, đơn thân các dịp lễ, tết; hàng tháng (2 ngày trong tháng) tham gia tặng cơm chay cho những người dân khó khăn như: bán vé số, làm hồ, công nhân... Tổng số tiền đóng góp an sinh xã hội, thiện nguyện trên 100 triệu đồng/năm.

baohaugiang

Video