Phụ nữ Lạng Sơn làm giàu từ trồng na dai trên đất núi

15/04/2020
Chỉ hơn 1.000 cây nhưng vườn na dai của chị Hoàng Thị Huyên – chi hội phụ nữ thôn Rừng Cấm Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn mỗi năm cho thu hơn 3 tấn quả, nhờ đó đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn giúp cho gia đình chị Huyên vươn lên thoát nghèo.
Chi Huyên thu hoạch na

Trước đây gia đình chị Huyên cũng như các chị em trong thôn Rừng Cấm Chằm Non chủ yếu thu nhập từ nguồn trồng các loại cây nông sản (ngô, khoai, sắn, rau) trong vườn và trồng lúa nước nên thu nhập thấp, bấp bênh. Sau khi có chủ chương của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế tại vùng và thí điểm trổng cây na dai phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, gia đình chị đã đăng ký thử nghiệm trồng. Ban đầu, chị và gia đình trồng hơn 300  gốc na dai và chăm sóc theo kinh nghiệm chứ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả nên chất lượng na khi thu hoạch đa phần ở mức trung bình, quả na nhỏ và không sáng màu. Bởi vậy, thu nhập lứa na đầu nhà chị chỉ có 15 triệu/năm.

Thấy thu nhập thấp, gia đình chị đã có ý định từ bỏ na để chuyển sang trồng bưởi. Tuy nhiên, được sự động viên của Hội LHPN xã Hòa Lạc, chị vực lại tinh thần, quyết tâm tiếp tục trồng thử lứa na thứ 2. Lần này, chị được Hội LHPN cơ sở tạo điều kiện cho tham gia các tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả do Hội Khuyến nông tổ chức; đồng thời tự mày mò tìm hiểu tài liệu trồng na ở các vùng khác tại Lạng Sơn như Chi Lăng, Cai Kinh, Hòa Lộc. Có thêm kiến thức, chị mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 30 triệu đồng để mua thêm giống cây na về trồng.

 Áp dụng những kiến thức đã được tập huấn và những kinh nghiệm trồng na thành công của các hộ gia đình trước đó, chị đã cùng gia đình cải tạo lại đất vườn để đất tươi xốp, dễ thoát nước rồi tiến hành trộn đất với các loại phân hữu cơ và xử lý đất với vôi để tránh mầm bệnh. Việc chăm sóc cây na trước đó rất quan trọng vì nó là tiền đề để na có chất lượng vào mùa thu hoạch. Theo chia sẻ của chị Huyên “Hàng năm, khi thu hoạch xong vào tháng bẩy, tháng tám, sang đông cây na “ngủ đông", rụng hết lá. Đến mùa xuân cây mới lại đâm chồi, nảy nụ, thời điểm này người trồng phải bỏ công chăm sóc bón phân (chủ yếu là phân hữu cơ), dọn cỏ, cắt tỉa cành cho cây na. Đặc biệt là vào mùa na ra hoa vào tháng năm,  người trồng na phải tỷ mỉ chọn từng bông hoa thụ phấn cho na, khi hoa cho quả lại phải đặt bẫy phòng trừ ruồi đục quả...”

Hiện nay, gia đình chị đã có 1.000 cây na dai trên diện tích 2 ha đất. Ngoài trồng na, gia đình chị trồng đan xen thêm 50 cây táo Đài Loan và 40 cây bưởi diễn, sau trồng 1 năm táo đã cho thu hoạch và đặc biệt thời gian trồng cây táo và thu hoạch bắt đầu từ tháng 10 – tháng 3 năm sau. Đây là thời gian mà cây na đang trong thời kỳ ngủ đông nên gia đình chị đã trồng đan xen theo từng vụ mùa vừa giúp tiết kiệm diện tích lại không để trống đất.

Nhờ áp dụng khoa học tốt và kỹ thuật trồng cây ăn quả nghiêm ngặt mà mô hình trồng na - táo đan xen của gia đình chị mỗi năm thu hoạch được 3 tấn na, 2 tấn táo với chất lượng quả to, đẹp, không bị sâu. Từ mô hình này, tổng thu nhập hàng năm gia đình chị đạt 270 triệu đồng/năm. Trong thời gian thu hoạch na, gia đình còn tạo việc làm cho 03 chị phụ nữ trong thôn với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Thành công trong phát triển kinh tế cho gia đình, chị Huyên tích cực hưởng ứng tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ” do Hội LPHN cơ sở phát động, cụ thể: trong năm 2019 giúp 02 chị có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi số tiền là 10.000.000 đồng; hỗ trợ 03 hội viên nghèo 200 cây na giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cho năng suất cao với mục tiêu nhằm giúp chị em thoát nghèo.

Không chỉ gia đình của chị Huyên còn có khá nhiều vườn na mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thương - hội viên chi hội phụ nữ thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Từ 400 cây na năm 1998 với thu nhập 15 triệu đồng/năm đến nay gia đình chị đã mở rộng gấp 5 lần gốc na với hơn 2.100 cây na dai và gần 1 vạn cây na dai giống, mỗi năm gia đình chị cũng cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm và giúp đỡ 02 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay tiền không lấy lãi với số tiền 35 triệu đồng trong mô hình trồng và chăm sóc na. Hỗ trợ cây na giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây na dai để đem hiệu quả cao cho nhiều hộ gia đình trong thôn nhằm giúp chị em vươn lên khỏi nghèo đói, có thu nhập ổn định hơn.

Cũng chính từ phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, các hội viên phụ nữ tại các xã huyện Hữu Lũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa ngô sang trồng cây ăn quả và lựa chọn những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để vươn lên thoát nghèo. 

An Là

Video