Phụ nữ Thái Bình xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

08/01/2020
Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, các mô hình này đã phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Những sản phẩm khởi nghiệp của chị em phụ nữ Thái Bình

Tại xã An Khê (Quỳnh Phụ), mặc dù các hội viên hội phụ nữ đã cùng các thành viên trong gia đình tổ chức sản xuất rau, củ, quả an toàn thời gian dài trước đây, tuy nhiên, việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm thị trường. Sự ra đời của Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Đại Đồng, xã An Khê đã tăng cường tính liên kết giữa các thành viên và liên kết các hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm rau màu, các mặt hàng nông sản chất lượng cho các cửa hàng thực phẩm sạch. Chị Đỗ Thị Hợp, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Đại Đồng cho biết: Tổ hợp tác được thành lập tháng 10/2018 gồm 20 thành viên. Mặc dù trồng rau màu phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường, nhưng với việc trồng rau an toàn theo hướng liên kết với các hội viên khác để tạo ra một sản phẩm đồng nhất đã giúp nhiều chủ hộ trồng rau có đầu ra và thu nhập ổn định hơn việc trồng rau của từng hộ gia đình trước kia. Đây cũng là một trong số các hướng đi để thay đổi lối canh tác cũ, hoàn thiện hơn cách sản xuất an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Chị Trương Thị Ngoãn (áo xanh bên trái) giới thiệu sản phẩm của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nón lá Nam Hà.

Còn bà Trương Thị Ngoãn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nón lá Nam Hà (Tiền Hải) chia sẻ: Xã Nam Hà có nghề truyền thống là làm nón lá, tạo việc làm cho hơn 1.100 lao động tranh thủ lúc nông nhàn có thể làm nón. Mỗi năm, Nam Hà xuất bán 15.000 chiếc nón lá ra thị trường, trung bình 1 lao động sẽ có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Khi thành lập Hợp tác xã, thu nhập của 1 lao động sẽ tăng lên dù công suất không thay đổi. Bởi Hợp tác xã đứng ra là đại lý cấp 1 để nhập nguyên liệu giá thành rẻ cho thành viên, không qua khâu trung gian và bao tiêu sản phẩm với giá cao nhất để tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước. Bà Phạm Thị Mùi, 1 trong 150 thành viên của Hợp tác xã cho biết: Bà con nhân dân vẫn tranh thủ lúc nông nhàn để làm nghề. Thu nhập của bà con không cao lắm nhưng có việc làm ổn định cho mọi người, các cháu học sinh, người đi làm công ty hay người cao tuổi đều có thể làm được. Hợp tác xã được thành lập cũng là để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương, xây dựng thương hiệu nón lá Nam Hà trên thị trường.

Sự đồng hành của các cấp hội đã giúp nhiều phụ nữ có thêm điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tập thể.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh xác định việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, nhất là việc chị em liên kết để tham gia phát triển kinh tế tập thể, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi, các tổ hợp tác, hợp tác xã là sự hỗ trợ, giúp đỡ, cùng nhau liên kết sản xuất để sản xuất phát triển, các thành viên có thu nhập cao, đời sống được nâng lên. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh cùng hội phụ nữ ở cơ sở động viên, hỗ trợ chị em, đặc biệt những chị em có tiềm năng phát triển thì phải nắm bắt kịp thời. Chị em có những vướng mắc, băn khoăn thì giải thích, hướng dẫn, để chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Với nữ nông dân muốn khởi nghiệp, hội hướng dẫn thay đổi phương thức sản xuất manh mún, kém hiệu quả sang thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp họ hình thành tư duy làm kinh tế theo chuỗi giá trị.

Trong quá trình vận động chị em khởi nghiệp, cán bộ hội phụ nữ các cấp tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng, đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Khi kế hoạch được triển khai, chị em mong muốn tổ chức hội đồng hành ở phương diện nào, thì thông qua đó, hội có điều kiện giúp đỡ kịp thời và đúng trọng tâm. Song song với việc đào tạo, Hội LHPN tỉnh đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng thông qua phối hợp với các hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chương trình, dự án, doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn. Trong 2 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực truyên truyền, vận động, tạo nguồn lực; năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã và 15 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau có phụ nữ tham gia quản lý. Hiện nay có nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ được hội LHPN các cấp hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với điều kiện địa phương, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nữ như: Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hàng túi, ró xuất khẩu xã Đông Phương (Đông Hưng); Tổ hợp tác dịch vụ kèn đồng Hương Lúa, xã Thụy Liên (Thái Thụy)...

Việc thành lập, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã phát huy vai trò của chị em trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ và nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

baothaibinh

Video