Phụ nữ Tu Vũ tích cực phát triển kinh tế

31/12/2021
Thời gian qua, Hội LHPN xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy) luôn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức, giúp hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Đinh Thị Hồng Dung ở khu 9, xã Tu Vũ cho thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống.

Xã Tu Vũ hiện có trên 2.100 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt tại 19 chi hội. Để giúp hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác cho 370 hộ hội viên vay với tổng dư nợ 13 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn chân quỹ của 19 chi hội trong xã 923 triệu đồng, Hội đã sử dụng để hỗ trợ 154 hội viên vay phát triển kinh tế trong thời hạn 1 năm với lãi suất ưu đãi. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên các chị em đều hoàn trả tiền lãi và vốn vay đúng kỳ hạn.

Cùng với đó, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật tới hội viên để áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình. Năm 2020, Hội đã giúp 7 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.

Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Đinh Thị Hồng Dung ở khu 9, đây là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu phong trào phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ ở Tu Vũ.

Trước đây, cuộc sống gia đình chị Dung gặp không ít khó khăn khi cả hai vợ chồng chị đều là lao động tự do, lại nuôi 2 con ăn học, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ đồng ruộng. Năm 2017, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về nuôi thỏ tại địa phương, vợ chồng chị Dung mạnh dạn vay 200 triệu đồng để xây chuồng trại và mua thỏ giống. Nhờ chủ động tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ hiệu quả và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, những lứa thỏ đầu tiên của gia đình chị xuất bán đều đạt tiêu chuẩn. Năm 2019, thông qua Hội LHPN xã, chị Dung được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với tích lũy của gia đình, chị đầu tư mở rộng mô hình.

Hiện nay, với khoảng 200 thỏ nái sinh sản, gần 1.000 thỏ thịt, mỗi tháng gia đình chị xuất bán từ 250 - 300 con thỏ; ngoài ra, chị còn nuôi thêm lợn, gà và trồng rau sạch cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài xã; trung bình mỗi năm tổng thu nhập đạt trên 700 triệu đồng. Là hội viên gương mẫu, nhiệt tình, chị Dung luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên khó khăn trong khu vươn lên làm kinh tế.

Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm, Hội LHPN xã cũng duy trì hoạt động và quản lý hiệu quả các Tổ liên kết: Chế biến chè khô, trồng bưởi Diễn, trồng rau sạch… thu hút đông đảo hội viên tham gia, nhằm hỗ trợ nhau về ngày công, cây, con giống, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Năm 2020, xã thành lập mới mô hình Câu lạc bộ “Nữ kinh doanh giỏi” với 27 thành viên, vận động các chị đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tham gia vào Câu lạc bộ để sinh hoạt, chia sẻ những thành công, kinh nghiệm của bản thân về khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.

Chị Trần Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội LHPN xã trong phong trào phát triển kinh tế đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chị em phụ nữ, phát huy khả năng, thế mạnh của chị em trong sản xuất, kinh doanh. Hội cũng luôn quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên hội viên khi đau ốm, các hội viên nghèo, góp phần tăng thêm sự gắn kết giữa các hội viên và giữa hội viên với tổ chức Hội; từ đó giúp chị em vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

Video