Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển, vừa là nhân tố quyết định tiêu dùng sản phẩm OCOP

13/10/2020
Diễn đàn vai trò của phụ nữ với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội vào sáng 13/10 có sự tham gia của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các doanh nghiệp, Hội LHPN 29 tỉnh, thành và các tác giả của các ý tưởng, đề án tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp 2020.
Phiên tọa đàm Chính sách hỗ trợ chương trình OCOP tại Việt Nam

Sự kiện là một trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đặc biệt đúng vào ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khẳng định, Chương trình mỗi xã một sản phẩm là đòn bẩy mở ra cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm mang đến giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho người dân, phụ nữ vùng nông thôn. Chương trình có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương, phát huy sáng tạo phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo hướng gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, kiểm soát chất lượng vào sản xuất, quản lý, bán hàng. Điểm nhấn của sản phẩm OCOP là được gắn sao công nhận, giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở, niềm tin vào sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phó Chủ tịch Hội cho biết, thời gian qua Hội LHPN Việt Nam đã chủ động phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia chương trình OCOP với tư cách vừa là chủ thể tuyên truyền, vận động, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, vừa là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP trong gia đình.

Thông qua đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, Hội đã khuyến khích hỗ trợ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp với OCOP thoát nghèo; hỗ trợ thành lập 6.000 tổ hợp tác, tổ liên kết, 500 hợp tác xã, trong đó có nhiều HTX/THT do Hội hỗ trợ đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao tiêu biểu như HTX dược liệu ATC tại Nam Định, HTX bún miến Đa Mai tại Bắc Giang, HTX sản xuất nông sản tại Hòa Bình, HTX thu mua chế biến hải sản Phú Khương tại Hà Tĩnh, HTX Cao An xoa tại Đồng Nai…

Toàn cảnh diễn đàn

Các nơi đã tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của phụ nữ như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lâm đồng, Đồng Tháp, Đắk Lắc, Kon Tum, hình thành 150 gian hàng từ tỉnh đến huyện giới thiệu sản phẩm đặc sắc của hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội đã thúc đẩy kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của phụ nữ phân phối rộng rãi trên thị trường, xây dựng mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, định kỳ tổ chức hội chợ bán và giới thiệu sản phẩm tham gia các hội trợ tại một số thành phố lớn, từ đó tạo động lực kích thích để các chủ thể tích cự đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm để chương trình OCOP thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực.

Hàng năm các cấp Hội đã phối hợp đào tạo nghề cho 6.000 lao động nữ; đào tạo nâng cao năng lực cho gần 6.000 cán bộ quản lý, thành viên các mô hình kinh tế tập thể; hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu tem nhãn; kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; hộ trợ vốn vay tín chấp với các Ngân hàng đạt trên 100.000 tỷ đồng và hơn 1000 tỷ đồng từ các quỹ, chương trình tài chính vi mô. Hiện nay, thông qua chương trình OCOP, ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, với phương châm “Ly nông bất ly hương”, Những sản phẩm OCOP của chị em đã góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tham gia diễn đàn có nhiều tác giả có ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Đỗ Thị Thu Thảo, khi thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ cho thời gian tới như: Các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP hiện nay chủ yếu là lồng ghép từ nhiều chương trình, còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả các chính sách; Bên cạnh đó, với quy mô sản phẩm nhỏ lẻ, sản phẩm OCOP phải cạnh tranh nhiều với những mặt hàng cùng loại của các doanh nghiệp lớn trong khi các sản phẩm này phần lớn sản xuất ở dạng thô sơ, sơ chế, chưa ứng dụng nhiều khoa học công nghệ vào sản xuất, chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn thị trường toàn cầu hiện nay; Số lượng doanh nghiệp, HTX, tổ THT chế biến sản phẩm OCOP của phụ nữ được gắn sao chưa nhiều; Việc tổ chức liên kết, kết nối giữa sản phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn yếu; Vấn đề thương hiệu, tem nhãn, mã vạch OCOP...

Với bối cảnh nền kinh tế số, thế giới phẳng thì đầu ra sản phẩm được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi chị em phải tạo ra sản phẩm thị trường đang cần (khắc phục tình trạng tạo ra sản phẩm thị trường đang có), tạo nên sự khác biệt của sản phẩm OCOP thông qua chuẩn hóa các sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm đạt 4 sao để hướng đến sản phẩm OCOP Quốc gia; thực hiện quản lý bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị… để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh, chu đáo nhất với chi phí thấp nhất.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Chương trình có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ trong đưa vào OCOP giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát nhằm tạo nên các sản phẩm có giá trị cộng đồng.

Thứ trưởng cũng khẳng định, cơ chế chính sách là rất quan trọng đối với các chủ thể OCOP, trong đó có các chính sách về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực...

Thứ trưởng Trần Thành Nam tặng hoa Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo nhân dịp 20/10

Tại diễn đàn đã diễn ra các phiên tọa đàm giữa các nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, Hội LHPN và hội viên, phụ nữ tham gia OCOP về nội dung: Chính sách hỗ trợ chương trình OCOP tại Việt Nam và Vai trò của phụ nữ với chương trình OCOP. Trong đó tập trung làm rõ các cơ hội, khó khăn, thách thức cũng như giải pháp thúc đẩy vai trò của phụ nữ tham gia Chương trình OCOP; Các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ tiên phong trong khởi nghiệp phát triển sản phẩm OCOP ở lĩnh vực nông nghiệp chế biến; Định hướng đầu ra cho sản phẩm OCOP nhằm tạo động lực cho các chủ thể tích cực tham gia chương trình; Chính sách cho chủ thể ứng dụng số hóa trong phát triển chương trình.

Phiên tọa đàm về vai trò của phụ nữ tham gia Chương trình OCOP

Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia tích cực Chương trình OCOP, khai thác tốt các thế mạnh riêng có của từng vùng; đồng thời góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới... là kết quả đạt được của Diễn đàn.

TTTT

Video