Quảng Bình: Nữ nghệ nhân trao truyền điệu hò khoan cổ

26/07/2021
Không chỉ là một hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc trưng của người dân Quảng Bình
Hò khoan Lệ Thủy là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc trưng của người dân Quảng Bình

Bên cây đàn tranh đã cũ và những trang sách đã nhuốm màu thời gian, có một người phụ nữ tuổi đã ngoài lục tuần vẫn cặm cụi viết nên những dòng chữ ngay ngắn. Đó là công việc sưu tầm, dàn dựng và viết lời mới cho những điệu hò khoan cổ của vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình.

Cả gia đình thành nghệ sĩ hò khoan

Chúng tôi ghé thăm gia đình nghệ nhân ưu tú Hải Lý (tên thật là Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1955, tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) khi bà đang ngân vang điệu hò khoan xứ Lệ mà bà vừa mới soạn lời. Tiếp chúng tôi ở phòng khách, dù không gian tuy hẹp nhưng dường như lắng lại bởi xung quanh treo nhiều chiếc đàn, đạo cụ của nghệ thuật dân gian như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tì bà... mà bà dành cả cuộc đời của mình để lưu giữ. Nửa thế kỷ gắn bó với giọng hò, điệu hát quê hương, dường như người phụ nữ này đã mang trong mình cái nghiệp đối với hò khoan Lệ Thủy.

Lớn lên cùng câu hò điệu hát của cha là cố nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy nức tiếng Nguyễn Hữu Sào, tình yêu đến với điệu hò của bà một cách tự nhiên. Năm 1973, bà được tập huấn, trau dồi về hò khoan Lệ Thủy và hoạt động tại đội văn nghệ xã Thanh Thủy. Dần dần bà được phòng Văn hóa thông tin huyện Lệ Thủy mời đi truyền dạy cho các đội văn nghệ địa phương. Đây cũng là khoảng thời gian vô cùng quý báu khi bà được nhiều nghệ nhân tài năng lớp trước truyền dạy, chỉ bảo tận tình về hò khoan Lệ Thủy và cả dân ca bình trị thiên như nghệ nhân Nam Kỳ, Mộng Điệp... và đặc biệt là người thầy Hoàng Đình Luyện.

Trình diễn hò khoan Lệ Thủy bên dòng Kiến Giang.

Nghệ nhân ưu tú Hải Lý chia sẻ: "Hò khoan Lệ Thủy là loại hình diễn xướng dân gian, hát như để vơi đi sự nhọc nhằn trong lao động, để truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, để giao duyên, gửi gắm tình cảm lứa đôi... Biết hát từ nhỏ nhưng đến năm 15 tuổi, tôi mới đến chính thức đến với "nghiệp" hát dân ca nhờ sự dìu dắt của thầy giáo Hoàng Đình Luyện. Thầy không chỉ dìu dắt cho tôi từ những bước đầu bỡ ngỡ mà còn nỗ lực sưu tầm, soạn lời, sáng tác để làm phong phú hơn vốn quý văn hóa dân tộc".

Để có bạn diễn xướng, bà Hải Lý cùng người anh trai là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Điệp tập hợp những người biết hát và đam mê hò khoan thành câu lạc bộ (CLB) dân ca Đại Phong mà thành viên nòng cốt là gia đình bà. Hải Lý hò, con trai xố, anh trai đàn nguyệt, chồng thổi sáo... Cứ thế, "sàn diễn" là sân gia đình đêm nào cũng vang lên những câu hát dân ca.

Cũng từ đấy, nhiều người yêu hò khoan xin góp mặt để sinh hoạt văn nghệ. Ban ngày, họ lo việc đồng áng, tối về sân nhà bà Lý tập luyện. Dưới ánh trăng, người dựng sân khấu, người thì đưa cối xay, cối giã vào để hò điệu giã gạo, quết vôi, người tập hò...

Trao truyền điệu dân cho thế hệ trẻ

Tiến thêm một bước mới trong việc tạo lập không gian cho hò khoan, nghệ nhân Hải Lý xin huyện thành lập CLB hò khoan Lệ Thủy, nay là CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. CLB đã trở thành cầu nối thiết thực, gần gũi giữa những người yêu dân ca.

Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Hải Lý biểu diễn bài hát Quảng Bình quê ta ơi bằng các nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh đó, bà còn tham gia trực tiếp đứng lớp truyền dạy hò khoan Lệ Thủy cho học sinh các cấp trong huyện. Cùng với một số nghệ nhân trong CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, bà đã bền bỉ truyền dạy hò khoan cho những người khiếm thị hiện sinh sống trên địa bàn huyện. Với người bình thường, học hát hò khoan đã khó, với người khiếm thị việc học hát hò khoan còn khó khăn gấp bội.

Anh Phan Thanh Việt, hội viên Hội người mù Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: "Được bên huyện hội người mù Lệ Thủy mời CLB hò khoan Lệ Thủy dạy cho chúng tôi tập hát hò khoan Lệ Thủy. Do chúng tôi bị khiếm thị nên việc ghi chép hạn chế, quá trình tập luyện về lời, về nhạc, về điệu tuy rất khó nhưng vì tình yêu điệu hò khoan của quê hương và được cô Lý cũng như các nghệ nhân khác tận tình chỉ dạy nên chúng tôi rất cố gắng".

Khó khăn là vậy, nhưng nghệ nhân Hải Lý vẫn luôn cố gắng để đem lời ca tiếng hát xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời kém may mắn. "Khó khăn nhất ở người mù là ở chỗ họ không thấy. Chính vì vậy mình rất khó trong quá trình truyền dạy. Chúng tôi phải tập từng lời từng chữ, phải mất thời gian rất lâu họ mới thuộc được. Nhưng dù sao chúng tôi cũng rất vui khi mang lại niềm đam mê điệu hò khoan của quê hương trong họ", nghệ nhân Hải Lý chia sẻ.

Đam mê làn điệu hò khoan "đặc sản" của quê hương, nghệ nhân Hải Lý đã tập hợp lại những người có cùng niềm đam mê để cùng chung tay, góp sức bảo tồn, gìn giữ để những câu hát độc đáo của điệu hò khoan Lệ Thủy gắn liền với vùng đất sông nước Kiến Giang vang mãi, ngân dài theo năm tháng.

Có ai đó từng nói rằng, nếu một lần được lắng nghe điều hò khoan Lệ Thủy thì chắc chắn dư âm của từng câu hò, điệu hát sẽ còn vang vọng mãi với một sức sống lâu bền. Đối với nghệ nhân Hải Lý, người đã dành quá nửa cuộc đời mình để gắn bó với loại hình văn nghệ dân gian độc đáo này của quê hương, hò khoan Lệ Thủy không chỉ là tình yêu, là đam mê mà còn là trách nhiệm, là sứ mệnh gắn bó với tình cảm sâu nặng nhất.

PNVN

Video