Sóc Trăng: Nữ kiểm sát viên tận tụy, trách nhiệm và tâm huyết với nghề

06/04/2020
Không kém cạnh về sự nỗ lực, cống hiến so với nam đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Thanh Quyên - Phó trưởng Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ ngày nay.
Chị Nguyễn Thị Thanh Quyên.

Đối với chị Quyên, nghề kiểm sát không chỉ ở cái duyên mà còn là “ơn sâu, nghĩa nặng” mà Đảng và Nhà nước đã dành cho mình. “Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào trường đại học kinh tế (đậu dự bị) nhưng định bỏ học, vì gia cảnh nghèo khó. May mắn thay, Nhà nước có chế độ cử tuyển vào Trường Cao đẳng Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh và tôi thỏa mọi điều kiện nên mới có cơ hội tiếp tục con đường học vấn” - chị Quyên bộc bạch nỗi lòng.

Để không phụ công ơn, chị quyết tâm vượt qua thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi trọng trách được giao dù bất cứ hoàn cảnh nào. Nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề, bản thân vẫn gặp không ít khó khăn, chị từng ám ảnh về vụ tai nạn giao thông khi cùng kiểm sát viên khám nghiệm hiện trường. Nhưng nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo ân cần của những bậc “tiền bối” và quan trọng là sự chịu khó nghiên cứu, học hỏi của bản thân, chị Quyên tiếp cận vấn đề khá nhanh và trưởng thành hơn qua từng vụ việc.

Sau những năm tích góp về kiến thức, kinh nghiệm, chị Quyên tự tin hơn với chức danh pháp lý kiểm sát viên sơ cấp và tiếp đó là kiểm sát viên trung cấp. Năm 2010, chị được rút về tỉnh, vẫn tiếp tục phụ trách ở lĩnh vực hình sự. Thế nhưng khi nghiên cứu về trình tự giải quyết án dân sự, chị lại càng thấy đam mê đối với lĩnh vực này. Thấy được tinh thần đó, lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện cho chị phụ trách ở lĩnh vực mới để cán bộ trẻ có thể phát huy ở các lĩnh vực. Bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần học hỏi, cầu tiến, chị đã khẳng định được năng lực bản thân bằng cách giải quyết án “nhanh, chắc và chuẩn” và năm 2014 chị được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng.

Theo chị Quyên, với án hình sự, kiểm sát viên được tiếp cận, bám sát vụ án ngay từ đầu, số lượng án không nhiều nhưng đòi hỏi bản lĩnh “thép” trong đấu tranh cùng tội phạm. Còn án dân sự, số lượng ngày càng nhiều, vụ việc diễn ra trong xã hội thì “muôn ngàn kiểu” mà hồ sơ tiếp cận thời gian theo luật định… Nói chung, ở lĩnh vực nào cũng đòi hỏi kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiến thức chuyên môn sâu, rộng và chị Quyên đã tự trau dồi đáp ứng mọi yêu cầu công tác.

Năm 2016, 2017, chị được biệt phái về VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là một điểm nhấn giúp chị Quyên mở mang kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn. Vì chị có cơ hội giải quyết được hàng trăm đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (có đúng, có sai). “Các đồng nghiệp ở đó làm việc với cường độ rất cao (do đơn gửi về nhiều), trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cũng cao và phương pháp làm việc quá khoa học, phù hợp với xu thế mới. Tôi học hỏi rất nhiều từ chuyến biệt phái đó. Quan trọng, tôi tiếp cận được nhiều cái sai, thiếu sót từ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, hạn chế những thiếu sót trong công tác” - chị Quyên chia sẻ.

Với cách làm việc linh hoạt, nhạy bén và quan điểm rõ ràng, chị Quyên không chỉ giải quyết án nhanh chóng mà còn tham mưu cho lãnh đạo viện có những kiến nghị, kháng nghị đối với các bản án, quyết định có vi phạm của tòa án một cách chính xác, kịp thời. Chị luôn biết lắng nghe, học hỏi, rèn luyện bản thân và sống chân tình nên được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo tin tưởng.

Viện trưởng VKSND tỉnh Đinh Gia Hưng từng nhận đinh: “Đồng chí Quyên có sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những cán bộ nữ tiêu biểu của đơn vị”.

baosoctrang

Video