Sơn La: Hội viên phụ nữ điển hình ở xã vùng biên

01/03/2022
Nắm bắt nhu cầu thị trường, năng động trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, chị Hà Thị Xoa, dân tộc Thái, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Phách, xã Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La) là một trong những tấm gương phụ nữ giàu nghị lực, vượt qua khó khăn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chị Hà Thị Xoa trồng chanh leo cho vụ mới.

Được biết, trước đây gia đình chị Xoa chủ yếu làm lúa nương theo hướng tự cung, tự cấp và trồng ngô để phục vụ chăn nuôi, vì vậy cuộc sống chưa thực sự ổn định. Từ năm 2003, tuyến đường từ xã ra trung tâm huyện được mở rộng, xe tải, ô tô có thể vào thu mua nông sản, gia đình chị Xoa bắt đầu mở rộng diện tích trồng ngô.

Là người nhanh nhẹn, chị Xoa vừa thuê lao động để chăm sóc diện tích ngô của gia đình, vừa chủ động kết nối, liên kết với các thương lái để hỗ trợ người dân trong vùng bán nông sản. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị duy trì trồng 1ha ngô, sản lượng đạt 30 tấn/vụ, qua đó thu về hơn 130 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị còn duy trì chăn nuôi 7 con trâu, bò; 30 con lợn và đàn vịt, sau khi xuất bán giúp gia đình chị thu về 90 triệu đồng/năm...

Năm 2017, chị Xoa cùng một số hộ dân được UBND xã Chiềng Khừa tổ chức tới tham quan, học tập một số mô hình trồng chanh leo tại khu vực thị trấn Nông trường Mộc Châu. Sau chuyến đi, chị đã mua giống chanh leo Đài Nông 1 về trồng. Năm đầu tiên, gia đình chị đã thu được 120 triệu đồng từ chanh leo. Từ năm 2018 đến năm 2021, gia đình chị tiếp tục duy trì trồng chanh leo, có thời điểm chanh leo đạt năng suất cao, trừ hết chi phí, gia đình thu về 400 triệu đồng/năm.

Chị Xoa cho biết: “Năm 2021, gia đình tôi trồng mới lại toàn bộ diện tích chanh leo. Vừa qua, tôi tiếp tục đi học tập kinh nghiệm và được cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để chanh leo đạt năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, gia đình tôi còn chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng 400 cây bơ, nhãn, bưởi, cam và 200 cây mắc ca; đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động cho cây trồng với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Chiềng Khừa để liên kết sản xuất tập trung với các thành viên trong hợp tác xã, bảo đảm tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản thời gian tới".

Khi kinh tế gia đình ổn định, chị Xoa tạo điều kiện cho 5 hộ nghèo vay vốn từ 2 đến 20 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất; hướng dẫn hội viên phụ nữ trong bản kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, vật nuôi... Với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chị Hà Thị Xoa đã được chứng nhận là gia đình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiêu biểu năm 2018. Chị xứng đáng là tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế để các hội viên phụ nữ trong bản, trong xã học tập và noi theo.

QDND

Video