Sơn La: Phát triển gạo đặc sản tạo sinh kế cho phụ nữ vùng cao

24/01/2022
Dự án phát triển chuỗi giá trị gạo đặc sản Tẻ Râu đã tạo cơ hội cho các hộ gia đình ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc.
Người dân với giống lúa Tẻ Râu chuẩn bị được cất giữ để gieo trồng cho vụ sau

Bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, là nơi sinh sống của bà con các dân tộc Thái, Mường và Dao. Hơn 90% hộ dân trong bản làm nông nghiệp. Trước đây, bà con trong bản rất vất vả để có thu nhập từ sản phẩm mình làm ra và nhiều người đã phải rời xa bản làng để đi đến nơi khác làm thuê. Phụ nữ trong bản phải gánh trên vai gánh nặng là chăm sóc gia đình, công việc đồng áng.

Cơ hội mới từ gạo đặc sản

Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ dân, đặc biệt phụ nữ nơi đây bắt đầu khởi sắc từ năm 2019. Đó là khi Dự án Nông nghiệp và Du lịch Bình đẳng giới có trách nhiệm với giới (do Chính phủ Australia tài trợ) hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông Lâm nghiệp Miền núi phía Bắc (ADC), Trung tâm Phát triển Hợp tác Tây Bắc và Doanh nghiệp Xã hội (TABA) thực hiện Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị gạo đặc sản Tẻ Râu ở tỉnh Sơn La. Dự án tập trung vào việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ bằng cách tăng cường sự tham gia và hiệu quả của họ trong sản xuất và bán gạo đặc sản.

Gạo Tẻ Râu là loại gạo bản địa của khu vực và được biết đến với hương vị thơm ngon, có tiềm năng bán cho các thị trường cao cấp ở các thành phố lớn của Việt Nam. Tham gia dự án, 333 hộ gia đình, trong đó có 453 phụ nữ, hầu hết là người dân tộc thiểu số đã được tập huấn kỹ thuật về sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, được tham gia các khóa đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.

Phụ nữ tại địa phương cũng có cơ hội tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất. Thay đổi cuộc sống từ khi tham gia dự án phát triển chuỗi giá trị gạo Tẻ Râu, chị Ngân Thị Nga, bản Bướt, xã Chiềng Yên, khoe: "Tôi tham gia dự án và trồng gạo Tẻ Râu tại ruộng của gia đình. Với các loại lúa thông thường, bình thường chúng tôi thu hoạch được 20 bao thóc thì nay với giống lúa Tẻ Râu, chúng tôi chỉ thu hoạch được 15 bao nhưng giá cao gấp đôi so với các loại thường trồng". Đến nay, gạo Tẻ Râu do phụ nữ địa phương sản xuất đã bán được giá cao gấp đôi so với giá các loại gạo thông thường khác, mang về thu nhập bình quân hàng năm trên 65 triệu đồng cho mỗi hộ.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng lúa Tẻ Râu, các hợp tác xã tại địa phương đã được tập huấn nhằm hỗ trợ người nông dân. Từ bản Bướt xa xôi, gạo đặc sản Tẻ Râu đã được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa. Chỉ riêng tại Hà Nội, sản phẩm gạo này đã được phân phối đến hơn 200 cửa hàng lương thực trên địa bàn. Đây tuy chưa phải là con số "khổng lồ", nhưng đã mang lại động lực cho nông dân địa phương và doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa Tẻ Râu.

"Có công việc, có thu nhập từ sản phẩm gạo do chính bàn tay mình và gia đình làm ra, chúng tôi vui lắm. Không chỉ cải thiện về kinh tế, chúng tôi còn được học thêm các kiến thức về an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống của những người phụ nữ vùng cao cũng thay đổi rất nhiều. Tiếng nói của phụ nữ trong gia đình được coi trọng hơn. Chúng tôi có thể tham gia bàn bạc các công việc lớn nhỏ của gia đình, cùng chồng làm kinh tế, thay đổi cuộc sống", chị Đặng Thị Lan, xã Chiềng Yên chia sẻ.

PNVN

Video