Tâm huyết giữ lửa nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số

29/11/2021
Chị Tạ Thị Liên sinh năm 1976, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là một trong những người tâm huyết với việc phát triển nghề truyền thống dệt từ tơ tằm, cho ra những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc.
Chị Tạ Thị Liên với sản phẩm thổ cẩm do hợp tác xã của mình làm ra

Không những vậy, chị Liên còn khai thác những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp từ mảnh đất Đắk Glong, Đắk Nông.

Khai thác thế mạnh của địa phương

Chị Liên từng là một thợ may và tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Chị nhận thấy tiềm năng, thế mạnh từ địa phương. Nhiều dân tộc thiểu số có những nét văn hóa đặc sắc và ẩm thực đặc trưng, chị mong muốn khai thác các thế mạnh này để làm kinh tế.

Chị Liên (thứ 3 từ trái sang) và các chị em trong hợp tác xã

Chị Liên chia sẻ: "Nhiều người dân không tìm hiểu và nghiên cứu thị trường mà chạy theo thị trường. Khi sản phẩm thiếu thì họ tranh giành đẩy giá lên cao, sản phẩm dư thừa, họ ép giá đến thấp nhất có thể. Có những loại quả như bơ, cây tiêu, hay những cây mùa vụ như củ cải, ớt, bí đỏ cũng từng bị vứt bỏ rất nhiều... Người nông dân vay vốn ngân hàng để kinh doanh, nhưng nhiều khi do không được "cầm tay chỉ việc" nên nhiều người làm không hiệu quả. Sản phẩm làm ra vì thế không đồng nhất chất lượng, không mang lại giá trị kinh tế cao".

Từ nhận định trên, chị Liên quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Danofarm vào năm 2018. Trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông) có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những lợi thế riêng như người M'Nông, Mông, Dao… vẫn lưu giữ nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thêu thùa và các giá trị văn hóa như cồng chiêng, chợ tình, ẩm thực… Từ các giá trị văn hóa này, HTX đã định hướng phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng để tạo hướng đi mới.

Chị Liên cho biết, Danofarm đã có các sản phẩm được sản xuất theo hướng chất lượng cao như tơ tằm khăn, gối, váy, khố được làm bằng thổ cẩm. Các sản phẩm này đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường và du khách. Vì thế, HTX xác định, các sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng có thể phát triển lâu dài, ổn định.

Nghệ nhân người M'Nông dệt thổ cẩm trong HTX

Cùng với các sản phẩm trải nghiệm du lịch, sau hai năm đi khảo sát, chị Liên quyết định thực hiện mô hình nâng cao chất lượng kén tằm trên mảnh đất của người dân tộc Mông. Để thực hiện thành công mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa theo hình thức truyền thống, chị Liên đã đi khắp các trung tâm, trường, viện để học hỏi và nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về dệt lụa. Chị cũng tìm đến nhiều nhà máy để quan sát, học hỏi, từ đó, chị càng quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm.

Theo đuổi để thành công

Sau nhiều năm miệt mài tìm nghệ nhân ươm tơ thủ công và dệt được sản phẩm tơ tằm kết hợp thổ cẩm, hiện nay, HTX đã cho ra khăn choàng, áo dài, khẩu trang, khăn lưu niệm, gối tằm… đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với địa phương và Danofarm.

Bà con người M'Nông tổ chức các hoạt động du lịch tại HTX Danofarm

"Khó khăn lớn nhất là xây dựng vùng nguyên liệu khi người dân chưa tin tưởng vào mô hình. Chính vì vậy, HTX đã hướng dẫn các hộ dân tham gia làm du lịch theo quy trình chất lượng cao để phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch của HTX được giới thiệu về quy trình, nguồn gốc và những giá trị riêng… HTX tạo liên kết với các hộ dân xây dựng khoảng 100 ha vùng trồng dâu, nuôi tằm tạo nguyên liệu để làm ra sản phẩm tơ tằm. Hiện nay, có 2 làng nghề trong nước liên kết với HTX để tạo ra sản phẩm tơ tằm phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch", chị Tạ Thị Liên cho biết.

Chia sẻ về hướng phát triển sản phẩm thổ cẩm được dệt từ tơ tằm, chị Liên cho biết thêm: Trước mắt, HTX tập trung thêu, dệt các sản phẩm của dân tộc Thái, M'Nông, Mông. Vì các sản phẩm này có hoa văn, họa tiết đa dạng, phong phú, đặc sắc. Sau này, HTX sẽ mở rộng sản xuất các sản phẩm của những dân tộc thiểu số khác. Hiện nay, HTX liên kết với các làng nghề ở An Giang, Vạn Phúc (Hà Nội) cung cấp nguyên liệu tơ tằm và các sản phẩm thổ cẩm.

Chị Liên và nghệ nhân người Thái

Với mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp nghề truyền thống, chị Tạ Thị Liên đã bước đầu đưa HTX đứng vững trên con đường phát triển. Cùng với đó là nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, giúp bà con dân tộc thiểu số và người bản địa nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho bà con nơi đây.

Hiện Danofarm đang thực hiện mô hình vườn rừng, tạo thành một mô hình sinh thái khép kín, "sinh lời", thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sản phẩm của bà con dân tộc.

PNVN

Video