Tâm huyết với việc gìn giữ nghề dệt lanh của người Mông

18/08/2021
Bà Thào Thị Chúa, ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, được nhiều người biết đến vì đã có nhiều cống hiến trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Nghề dệt lanh truyền thống của người Mông ở Hà Giang

Sinh năm 1954, như nhiều bé gái người Mông, từ khi chưa đầy 10 tuổi, Thào Thị Chúa đã được mẹ dạy trồng lanh, dệt vải, thêu thùa và làm quen với việc nương rẫy. Bà lớn lên trong những âm thanh quen thuộc của cộng đồng người Mông nơi đây với tiếng khèn réo rắt, những bài dân ca ngọt ngào, đằm thắm. Mỗi ngày, những chất liệu của cuộc sống đã vun đắp nên tình yêu quê hương, yêu các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông ở cao nguyên đá Hà Giang trong bà.

Sống trong không gian văn hóa đậm đặc ấy, tình yêu của bà với văn hóa truyền thống ngày càng được bồi đắp. Chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian quý báu của người Mông ngày càng mai một, những nghệ nhân đều là người cao tuổi mỗi ngày một vắng, thế hệ trẻ thờ ơ với văn hóa dân tộc, làm bà đau đáu phải làm gì đó để những di sản quý giá này được gìn giữ, lưu truyền.

Bà Thào Thị Chúa giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, năm 2015

Bà Chúa chia sẻ: "Nhiều bạn trẻ bây giờ không còn muốn trồng lanh, dệt vải, không còn biết thổi khèn gọi bạn tình, không biết hát những câu hát giao duyên của người Mông và cũng không thích mặc quần áo truyền thống nữa, tôi rất buồn, rất tiếc",.

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống

Với tư duy khoa học, bà vừa vận động, vừa trực tiếp truyền dạy những kiến thức dân gian của nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, bà cũng chủ động đi sưu tầm những vật dụng sinh hoạt, lao động sản xuất.

Bắt đầu từ việc khôi phục nghề trồng lanh, dệt và thêu thổ cẩm, bà dạy cho hai con gái của mình, một là giáo viên mầm non, một là cán bộ Ban xây dựng nông thôn mới của huyện. Với sự khuyến khích, động viên của bà, nhiều phụ nữ Mông cùng các bé gái đã thấy yêu hơn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình, cùng nhau học hỏi để khôi phục nghề truyền thống để tự làm ra những bộ trang phục truyền thống cho mình.

Khôi phục những trang phục của người Mông đã khó, để tiếng khèn của người Mông tiếp tục vang lên trên các bản làng còn khó hơn. Bây giờ, cả bản Mông ở Mèo Vạc có quá ít nghệ nhân biết làm khèn nhưng họ cũng không muốn làm nữa, vì "làm khèn thì để bán cho ai".

Từ việc làm của bà Chúa, đã góp phần giúp tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc Mông lan tỏa trong cộng đồng

Để có thể truyền dạy, bảo lưu di sản văn hóa quý báu này, bà quyết tâm học thành thục diễn tấu khèn, diễn xướng dân ca. Bà Chúa đã thuyết phục ông Mua Mí Sính, nghệ nhân chế tác, diễn xướng khèn Mông rất giỏi ở xã Tả Lủng, cùng đồng hành để bảo lưu, truyền dạy di sản quý này cho thế hệ trẻ. Bà miệt mài học từ ông và tự luyện tập không mệt mỏi từng ngày. Chính bà đã cùng với nghệ nhân tham gia nhiều cuộc thi trong "Ngày hội văn hóa các dân tộc" ở Hà Giang, Bắc Giang, Sơn La… và giành nhiều giải thưởng.

Bà Chúa cho biết: "Lúc đầu mới đứng ra động viên các cháu học diễn tấu khèn, nhiều gia đình không muốn cho đi vì sợ mất thời gian, không lo sản xuất. Nhưng rồi mình cứ thuyết phục, thế là động viên được các cháu đến tập". Lớp học khèn Mông đầu tiên được tổ chức từ vài em, sau đó có gần 30 học viên trong độ tuổi từ 10 đến 25. Từ những lớp truyền dạy do bà tổ chức, đã đào tạo được những học trò xuất sắc như: Mua Mí Sính, Thào Mí Nô, Mua Mí Hồng, Thào Mí Chơ, Mua Mí Thừ, Mua Mí Tủa, Giàng Thị Chở… Đội khèn lần đầu tiên tham gia hội thi ở Bắc Giang, giành được giải Nhất và còn nhiều giải thưởng khác nữa.

Bà cũng luôn chú tâm sưu tập những vật dụng trong đời sống của người Mông để lưu giữ. Bà lo sợ những đồ vật nhỏ bé, thân quen đến một lúc nào đó sẽ bị thay thế bằng những đồ dùng công nghiệp hiện đại. Vì vậy, không ngại khó khăn vất vả, tốn kém, bà đi khắp các thôn, bản gần xa của Mèo Vạc để xin, mua, trao đổi các vật dụng của bà con người Mông. Bộ sưu tập của bà vì thế ngày càng phong phú. Nhà bà như một bảo tàng cá nhân với bộ đồ làm bếp, các vật dụng sinh hoạt quen thuộc, dụng cụ sản xuất và nhạc cụ của người Mông.

Những nỗ lực và tâm huyết cùng phương pháp tiến hành khoa học của bà trong bảo tồn, gìn giữ, đã góp phần hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống dân gian của người Mông. Và cũng từ người phụ nữ giàu tâm huyết này, tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc đã được lan tỏa trong cộng đồng.

PNVN

Video