Tăng thu nhập từ chăn nuôi – cách làm hiệu quả của nhiều hội viên, phụ nữ ở Hà Giang

10/12/2020
- Chị Vương Thị Thượng: Thu nhập 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả vườn
- Chị Nguyễn Thị Nhình: Mô hình nuôi chim bồ câu ta nhốt chuồng
Chị Vương Thị Thượng: Thu nhập 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả vườn

- Chị Vương Thị Thượng: Thu nhập 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả vườn

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của gia đình chị Vương Thị Thượng thôn Bản Tàn, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã giúp gia đình chị vượt qua đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Giống gà thả vườn của chị Thượng chủ yếu là gà ri có chất lượng thịt thơm ngon và thường bán được giá cao. Thức ăn của gà chủ yếu là thóc, ngô được thu mua của bà con trong vùng, để nâng cao chất lượng thịt gà chị nuôi thêm giun quế cho gà ăn.

Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm gia đình chị xuất bán được 2 lứa, mỗi lứa thu được khoảng 130 triệu đồng. Tổng thu nhập từ chăn nuôi gà thả vườn vào khoảng 260 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Chị Thượng cho biết, để chăn nuôi gà thả vườn thành công, phải học hỏi những kiến thức nhất định như công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà trong các thời kỳ sinh trưởng cũng là vấn đề đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, chị không ngừng học hỏi các kiến thức từ các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi tập huấn của cơ quan chuyên môn và tự học hỏi tại các mô hình phát triển nuôi gà thành công tại địa phương để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm nuôi gà. Ngoài nuôi gà thương phẩm, chị còn nuôi khoảng 60 con gà mái chuyên đẻ trứng để ấp tạo nguồn giống gà cho gia đình và thu nhập trên 250 triệu đồng từ gần 3 ha cam sành sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư (phân bón, thuê lao động…)

- Chị Nguyễn Thị Nhình: Mô hình nuôi chim bồ câu ta nhốt chuồng

Khu nuôi chim bồ câu nhốt chuồng của gia đình chị Nhình tại tổ 6, phường Minh Khai được chia thành nhiều dãy riêng biệt. Trong đó có các dãy nuôi chim bồ câu thương phẩm (còn gọi là chim dò hay chim thịt) và các dãy nuôi chim bồ câu sinh sản (còn gọi là chim giống hay chim bố mẹ). Tại các dãy nuôi chim bồ câu thương phẩm được chia thành nhiều ô khác nhau, mỗi ô được nuôi từ 4 - 5 chim dò. Tại các dãy nuôi chim bồ câu sinh sản chỉ nuôi 2 chim giống gồm 1 con đực và 1 con cái, bên trong mỗi ô chuồng có kèm theo 2 ổ để chim đẻ và ấp trứng, một ổ để nuôi chim non vì khi chim non được khoảng 20 ngày tuổi là chim mẹ lại bắt đầu đẻ trứng mới. Toàn bộ trang trại nuôi chim của của chị Nhình có khoảng 80 ô nuôi chim dò để bán thịt và 25 ô chuồng nuôi chim sinh sản.

Chị Nhình cho biết, thức ăn chủ yếu của chim là thóc, bột ngô, đậu xanh hoặc bột đậu tương rang chín. Vì là chim nuôi nhốt nên rất cần phải bổ sung thêm chất khoáng, đặc biệt là muối ăn. Bên cạnh đó, các ô chuồng phải có máng nước sạch và phải được thay nước hàng ngày; ngoài ra, cần phải vệ sinh chuồng trại 1 - 2 tháng một lần kết hợp với phun khử trùng xung quanh khu nuôi chim.

Do nuôi gối nhiều lứa nên tuần nào gia đình chị cũng có chim dò bán cho các thương lái và nhà hàng. Bình quân tổng thu nhập mỗi năm từ nuôi chim bồ câu nhốt của gia đình chị đạt từ 150 - 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 110 - 120 triệu đồng. Ngoài nuôi chim bồ câu ta nhốt chuồng, gia đình chị Nhình còn phát triển nuôi ngan và gà thả vườn. Thu nhập từ nuôi ngan và gà thả vườn, mỗi năm cũng mang về cho gia đình từ 60 đến 70 triệu đồng.

Mô hình nuôi chim bồ câu ta nhốt chuồng kết hợp với nuôi ngan và gà thả vườn của gia đình chị Nhình đã được chọn làm điểm tham quan học tập cho các đoàn phụ nữ trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, chị được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thành phố Hà Giang biểu dương, khen ngợi và tặng nhiều giấy khen.                                             

Phạm Văn Phú

Video