Thanh Hóa: Đưa nghề về với phụ nữ nông thôn

10/11/2021
Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn là một trong những yếu tố “tiên quyết” góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.
HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, thôn Trung Hậu, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn

Đến với HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên tại thôn Trung Hậu, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa), chị Phạm Thị Ngân, Chủ nhiệm HTX cho biết, nhằm giúp chị em phụ nữ địa phương có việc làm tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình, năm 2014 gia đình chị quyết định đầu tư mở xưởng may các loại túi xách dùng trong siêu thị. Qua bạn bè giới thiệu, cùng với việc hỗ trợ từ hội LHPN xã, gia đình chị Ngân đã phối hợp với Công ty Cổ phần Casablanca Việt Nam ở Hà Nội để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hướng dẫn cho các chị em phụ nữ trong xã học nghề thành thạo. Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 150 hội viên, phụ nữ địa phương với mức thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thêm nghề đan cói, thu hút khoảng 50 chị em phụ nữ tham gia.

Trên địa bàn huyện Hoằng Hóa còn rất nhiều cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ, đã và đang giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ địa phương. Điển hình như HTX tiểu thủ công nghiệp Long Anh (xã Hoằng Trinh) hiện đang dạy nghề làm lông mi giả cho 150 lao động nữ; nhà máy sản xuất mây tre đan Quốc Đại thuộc Công ty TNHH Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh) đang tạo việc làm cho 61 lao động nữ...

Theo số liệu thống kê, hàng năm trên địa bàn huyện có gần 600 lao động nữ được dạy nghề, trong đó có gần 500 lao động có việc làm ổn định. Trao đổi về vấn đề này, chị Hoàng Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa, cho biết: Để công tác giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, tạo “cú hích” mạnh mẽ trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hội LHPN huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề, sản xuất để dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng các mô hình tạo việc làm cho phụ nữ ngay tại địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ bằng nhiều hình thức như: mở rộng kinh doanh dịch vụ, sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Đi vào hoạt động từ năm 2010, đến nay HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ (Nông Cống), đang tạo việc làm cho 100 chị em phụ nữ trong xã và khoảng 500 lao động địa phương khác với mức thu nhập bình quân hàng tháng là 2,5 triệu đồng/người trở lên. Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ (Nông Cống) cho biết: Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền nên HTX đã phát triển rộng về quy mô. Các sản phẩm có mẫu mã đa dạng, nâng cao về chất lượng đã thu hút thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng góp phần phát triển ổn định và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ ngoài tuổi lao động, phụ nữ khuyết tật.

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Nông Cống đã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của hội viên phụ nữ trên địa bàn và định hướng giải quyết đào tạo nghề phù hợp cho hội viên. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng vừa qua, Hội LHPN huyện đã mở 12 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho 510 lao động nữ; hỗ trợ cho 198 hội viên, phụ nữ thuộc diện hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế... Hiệu quả của công tác dạy nghề cùng sự tham gia tích cực của các tổ hợp tác đang trở thành động lực giúp nhiều lao động nữ trên địa bàn huyện vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn thông qua các hoạt động: tập huấn, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Các cấp Hội tích cực liên kết, phối hợp với các đơn vị dạy nghề cho 5.029 lao động nữ; có gần 27.233 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và quản lý các nguồn vốn...

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn hướng đến những ngành nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức.

 

Văn phòng Hội LHPN (tổng hợp)

Video