Thanh Hóa: Những tấm gương phụ nữ làm giàu tứ các mô hình nuôi trồng, sản xuất kinh doanh

02/08/2021
- Chị Cao Thị Cẩm thành công thoát nghèo với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm
- Chị Phạm Thị Phương thu lợi nhuận mỗi năm trên 2 tỷ đồng từ mô hình trang trại tổng hợp
- Chị Nguyễn Thị Nhung làm giàu nhờ mở rộng sản xuất kinh doanh
chị Cao Thị Cẩm, hội viên phụ nữ thộn Phú Đa, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc vươn lên thoát nghèo với mô hình trang trại tổng hợp

- Chị Cao Thị Cẩm thành công thoát nghèo với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm

Trước đây, gia đình chị Cao Thị Cẩm, hội viên phụ nữ thộn Phú Đa, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc là hộ cận nghèo, chồng mất sớm, chị một mình nuôi hai con nhỏ, mẹ chồng già yếu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt chủ trương đổi điền dồn thửa của xã, chị đã mạnh dạn nhận khu đất rộng 1,9 mẫu ven làng để làm trang trại. Được Hội tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã tham gia học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi trong huyện, dần dần tìm hiểu cách thức, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi qua sách báo, truyền hình… Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư nuôi lợn, bò, đào ao thả cá và trồng cây theo từng mùa vụ như dưa, ớt, đậu tương rau, dừa xiêm, bưởi da xanh, mít Thái. Đến nay mô hình trang trại tổng hợp của chị đã phát triển ổn định và cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Với mô hình trang trại tổng hợp, chị đã tạo việc làm cho 3-5 chị hội viên trong thôn với thu nhập từ 3-4 triệu/người/tháng và cũng trở thành địa điểm để chị em phụ nữ đến tham quan, học hỏi. Chị sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho bà con; những hộ khó khăn đều được chị tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ con giống, xây dựng nhà ở.

Hiện nay, gia đình chị Cẩm là một trong số các hộ trong thôn thực hiện mô hình điểm “Nhà sạch, vườn mẫu” trên địa bàn huyện. Để thực hiện thành công mô hình, chị đã trồng hoa xung quanh nhà, ven đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thực hiện quy trình chăn nuôi trồng trọt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; mạnh dạn cải tạo lại vườn qui hoạch trồng các loại cây ăn trái. Trong vườn, chị đã tạo thành công 3 vòm lan với đủ các loại và làm hệ thống tưới nước đảm bảo tiêu chuẩn cho cây trồng phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ những việc làm thiết thực đó, hàng năm gia đình chị đều được bình xét gia đình văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi.

 

- Chị Phạm Thị Phương thu lợi nhuận mỗi năm trên 2 tỷ đồng từ mô hình trang trại tổng hợp

Những năm 2013 trở về trước, gia đình chị Phạm Thị Phương, hội viên thôn 10, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân là hộ khó khăn trong xã. Sau khi tham gia sinh hoạt và được Hội phụ nữ tạo điều kiện cho vay nguồn vốn tiết kiệm - tín dụng của chị em trong xã, chị đã bàn với chồng mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, một lợi thế của địa phương, để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ban đầu, hai vợ chồng chị đầu tư nuôi 10 con lợn và gần 100 con gà, tận dụng nguồn thức ăn thừa trong các hộ gia đình, lấy ngắn nuôi dài. Để nâng cao hiệu quả, chị Phương dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội tổ chức, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chị cũng chủ động đọc sách báo, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, tìm mua những giống chim, cá, vịt, gà có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhờ vậy, những con vật nuôi trong trang trại của gia đình chị sinh trưởng và phát triển ổn định cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước.

Đến nay, với tổng diện tích trang trại là hơn 2.000 m2, gia đình chị đã thầu 1 hồ thả cá; 3ha cao su lấy mủ quy chuẩn; 1 trại nuôi lợn nái sinh sản và 2 trại nuôi lợn thịt, duy trì liên tục khoảng 1.000 con; 3 trại gà nuôi lấy thịt, duy trì từ 10.000 đến 12.000 con. Mỗi năm xuất chuồng trên 200 tấn lợn và trên 300 tấn gà, do đó gia đình chị đã mua 1 xe vận tải chuyển cám cho các hộ gia đình trong xã và các xã lân cận. Gia đình chị Phương giờ đã trở thành hộ khá giả trong xã với tổng thu nhập mỗi năm sau khi trừ các chi phí còn khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

 

- Chị Nguyễn Thị Nhung làm giàu nhờ mở rộng sản xuất kinh doanh

Khi mới khởi nghiệp, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, hội viên phụ nữ thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mở cửa hành kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ bà con trong xã. Sau nhiều năm tích lũy, được hội phụ nữ tạo điều kiện tín chấp với ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa vay số tiền 30 triệu đồng, vay ngân hàng Viettinbank Thanh Hóa số tiền 300 triệu đồng để mở rộng đầu tư kinh doanh. Từ các nguồn vốn đã có, gia đình chị đã mua thêm 1 xe ô tô chở vật liệu, mua máy móc, vật tư làm gạch vồ phục vụ bà con trong và ngoài xã.

Vừa làm, vừa đầu tư, đến nay gia đình đã có 1 cửa hàng vật liệu xây dựng, 2 xe ô tô chở vật liệu xây dựng, 1 xưởng làm gạch vồ với diện tích 300m2, 1 máy đòng gạch, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động, bình quân mỗi lao động có thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ các chi phí, gia đình chị Nhung thu lãi 700 triệu đồng/năm. Năm 2019, chị đã cùng với anh trai mạnh dạn đăng ký thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH vận tải Mạnh Dũng, dần dần công ty hoạt động có hiệu quả và tăng trưởng mạnh qua từng năm tại xã.

Nhật Linh

Video