Thanh Hoá: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản - mô hình thay đổi tư duy sản xuất của phụ nữ vùng cao

02/11/2021
Với mong muốn giúp được nhiều hội viên, phụ nữ miền núi khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo, năm 2018, từ nguồn hỗ trợ của TW Hội, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản ở bản Pa và Cha Lung, xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn).
Cán bộ Hội LHPN xã Tam Thanh kiểm tra chăm sóc đàn bò của hộ gia đình thành viên tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản Cha Lung

Hội LHPN xã đã tiến hành rà soát, lựa chọn 20 thành viên là hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn của bản Pa và bản Cha Lung có ý chí vươn lên thoát nghèo tham gia mô hình. Các thành viên đã được trao chiếc “cần câu” thông qua việc được hỗ trợ vay vốn không tính lãi (mỗi hộ được vay 14,5 triệu đồng để mua bò giống), các hộ thêm vốn đối ứng, đồng thời cam kết nuôi bò sinh sản từ 3 con bê trở lên mới được bán hoặc chuyển giao cho hộ khác.

Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình, đến nay 20 hộ đều đã có bê con và trả dần vốn vay qua từng năm để góp lại mua con giống mới trao cho hộ khác. Năm 2020, THT đã thu hồi vốn được 2 đợt và tiếp tục cho 14 hộ khác vay để mua con giống. Hiện nay, THT chăn nuôi bò sinh sản ở bản Pa và Cha Lung đã có 34 thành viên tham gia và có tổng đàn 76 con bò.

Chị Hà Thị Định, hội viên phụ nữ ở bản Cha Lung phấn khởi cho biết: “Được hỗ trợ vốn mua 1 con bò giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã có điều kiện để cải thiện kinh tế, đến nay trong chuồng có tất cả 5 con bò. Tham gia THT, chúng tôi liên kết, chia sẻ với nhau được nhiều điều trong cuộc sống, hỗ trợ nhau cùng làm ăn, thoát nghèo”.

Từ những bản có nhiều hộ nghèo, điều kiện sản xuất khó khăn, tập quán chăn nuôi chăn thả tự do nên hiệu quả không cao... đến nay, ở bản Pa và Cha Lung, nhiều hộ dân đã thành thạo kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi nên đàn bò phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng, tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tham gia mô hình kinh tế tập thể, các chị được chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, giúp nhau vốn, ngày công để cùng nhau chăn nuôi bò phát triển, do đó, nhiều hộ chuyển biến về nhận thức, tích cực tham gia sản xuất, có ý thức tiết kiệm tiền, vay thêm vốn để mua thêm con giống.

Chị Hà Thị Chai, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thanh, cho biết: “Ngay sau khi THT ra mắt, chúng tôi bầu ban quản lý, ban hành quy chế hoạt động, hướng dẫn và giám sát quá trình chăm sóc, tiêm phòng chống dịch bệnh, trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò; thành viên trong THT phân lịch cắt cỏ, chăn thả; định kỳ trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh... Cách làm chặt chẽ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt là tăng số lượng thành viên tham gia và tăng tổng đàn bò, nhờ đó đến nay nhiều hội viên đã thoát nghèo”.

Từ thành công của mô hình, tháng 7/2020, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng dự án, chỉ đạo Hội LHPN huyện Quan Sơn tiếp tục nhân rộng mô hình. THT chăn nuôi bò sinh sản tại xã Tam Thanh đã có 42 hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn tham gia; đồng thời mô hình được nhân rộng tại 6 bản (Pa, Cha Lung, Phe, Na Ấu, Bôn, Kham) và trao 42 con bò giống sinh sản có tổng giá trị 360 triệu đồng (nguồn Hội LHPN tỉnh tranh thủ từ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh) và vận động các hộ đối ứng thêm vốn được gần 192 triệu đồng để mua con giống. Hiện nay 2 THT chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ xã Tam Thanh quản lý có 76 hội viên tham gia với tổng số 114 con bò.

Chị Mai Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn đánh giá: Mô hình THT chăn nuôi bò sinh sản đã giúp hội viên phát huy được tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, hỗ trợ nhau, tạo sự lan tỏa trong phong trào phát triển kinh tế giúp nhau thoát nghèo trong toàn huyện. Thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi cá thể vì việc chăn nuôi theo mô hình THT và áp dụng khoa học - kỹ thuật mới đã mang lại hiệu quả cao, đàn bò phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động, hướng tới trở thành sản phẩm hàng hóa.

Chị Nhung cho biết, thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục nhân rộng 2 THT chăn nuôi bò bản Pa và Cha Lung phát triển thành HTX chăn nuôi bò sinh sản để nâng quy mô sản xuất, tăng giá trị thu nhập; đồng thời bày tỏ mong muốn mô hình sẽ được hỗ trợ về giống bò đực lai để phối với giống bò địa phương nhằm cải thiện chất lượng đàn bò.

 

Văn phòng Hội LHPN tỉnh (tổng hợp)

Video