Thu cả trăm triệu đồng nhờ nuôi con “siêu đẻ”

24/12/2021
- Gia Lai: Thu 400 triệu mỗi năm nhờ nuôi ốc đặc sản "siêu đẻ"
- Nam Định: Bỏ túi hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ chim quý mắn đẻ
Chị Trần Thị Ánh Hương thu gom trứng ốc bươu đen (ốc nhồi) để ấp

Gia Lai: Thu 400 triệu mỗi năm nhờ nuôi ốc đặc sản "siêu đẻ"

Nhờ nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) kết hợp nuôi cá mà chị Trần Thị Ánh Hương (thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thu nhập gần 400 triệu đồng mỗi năm.

Gia đình chị Hương có 2 ao cá rộng khoảng 2.000 m2. Năm 2007, chị bắt được mớ ốc bươu đen rồi đem thả xuống ao. Không ngờ ốc sinh sôi phát triển. Cuối vụ thu hoạch, ngoài tiền bán cá, gia đình chị còn có thêm thu nhập từ bán ốc bươu đen đặc sản. Nhận thấy hiệu quả mang lại, chị Hương lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá.

“Để mô hình phát huy hiệu quả, tôi chỉ thả một số loại cá không ăn ốc. Sau đó, tôi trồng hoa súng, thả thêm bèo, rau muống. Đồng thời, tôi tận dụng đất bờ ao trồng cỏ voi, tạo bóng mát, bổ sung nguồn thức ăn và làm nơi cho ốc sinh sống”- chị Hương chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá.

Cùng với áp dụng đúng kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, chị Hương còn nhân giống ốc theo cách thức tự nhiên. Vào mùa ốc bươu đen sinh sản (từ cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm), chị thu gom từng ổ trứng đem về để nơi cao ráo trong bể nuôi ấp. Chị cho hay: “Nếu để trứng ốc ngoài tự nhiên, tỷ lệ nở chỉ đạt 50-60% và nguy cơ bị chuột, kiến ăn rất cao. Còn mang vào trong bể nuôi ấp thì tỷ lệ trứng nở đạt 90%. Khoảng 20 ngày thì trứng ốc bươu nở và sau 2 tuần có thể thả ốc xuống ao hoặc xuất bán con ốc bươu đen giống với giá 4 triệu đồng/kg”.

Theo chị Hương, ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc đơn giản và không tốn nhiều thời gian. Bên cạnh tận dụng các loại rau cỏ có sẵn trong ao, thỉnh thoảng chỉ bỏ thêm lá mì, lá chuối, bầu bí để làm thức ăn cho ốc.

“Trung bình ốc bươu đen nuôi từ lúc nở đến khi thu hoạch khoảng 4-5 tháng. Ốc được nuôi hoàn toàn tự nhiên nên thịt thơm giòn và được thị trường ưa chuộng. Nhiều người còn đặt mua ốc bươu đen làm quà biếu người thân, bạn bè” - chị Hương vui vẻ nói.

Chị Hương cho biết thêm: Mỗi ngày, gia đình bán 10 kg ốc bươu đen thương phẩm với giá 90.000-120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chị sẽ cải tạo gần 1 sào ruộng lúa để mở rộng ao nuôi.

Nhận xét về mô hình nuôi ốc bươu đen kết hợp nuôi cá của gia đình chị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An Nguyễn Ngọc Duy cho biết: Gia đình chị Hương đã tận dụng những điều kiện sẵn có để phát triển mô hình nuôi ốc và cá mang lại thu nhập cao.

"Trên địa bàn xã Xuân An có nhiều ao hồ, bàu đập và có thể cải tạo những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả để nuôi ốc bươu đen. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức cho hộ dân có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen, góp phần đa dạng mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân...", ông Nguyễn Ngọc Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An nhận xét.

Nam Định: Bỏ túi hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ chim quý mắn đẻ

Với hơn 300 con chim trĩ bố mẹ, mỗi tháng gia đình bà Trịnh Thị Tuyết ở xóm 7 - Quyết Thắng, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy (Nam Định) xuất bán trên 2.000 chim trí giống, mang về doanh thu đều đặn 40 triệu đồng/tháng.

Gia đình bà Trịnh Thị Tuyết ở xóm 7 - Quyết Thắng, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy ăn lên làm ra nhờ đàn chim quý mắn đẻ như gà

Bà Tuyết bắt đầu nuôi chim trĩ từ năm 2010, sau hơn chục năm gắn bó, đến nay gia đình bà đã sở hữu đàn chim trĩ  quy mô tương đối lớn. Đó là chưa kể cả hàng nghìn con chim trĩ giống, thịt được xuất bán hàng tháng.

Dẫn chúng tôi thăm quan khu chuồng nuôi chim trĩ với diện tích chuồng rộng khoảng hơn 200m2, được chia thành nhiều khu và tất cả được trải lớp cát sỏi dày khô ráo, không có mùi hôi, được chia thành những ô nuôi khác nhau phù hợp với từng lứa tuổi của chim. Tất cả các khu chuồng nuôi chim đều được rào bằng lưới thép B40, lợp mái tôn vừa che mưa che nắng, cũng như để tránh chim bay ra ngoài. Trong chuồng phải có thêm sàn gỗ để chim bay, đậu thỏa mái. Đặc biệt, không thể thiếu lớp cát dày, vừa giúp chuồng trại luôn khô ráo và có chỗ cho chim tắm cát, đây là đặc tính ưa thích của chúng.

Bà Tuyết cho biết, nuôi chim trĩ cũng giống như nuôi gà, thức ăn hằng ngày và cách chăm sóc cũng như của gà, gồm các loại cám, trộn với thóc và một số chất khác. Thức ăn cũng được phối trộn theo tỷ lệ thích hợp đối với từng loại chim sinh sản, chim thương phẩm, để tăng chất lượng thịt và tăng khả năng sinh sản cho chim. So với các loại gia cầm được nuôi phổ biến khác như gà, vịt… chim trĩ dễ nuôi hơn, lại ít tốn công chăm sóc. Nhưng đây là loài chim hoang dã có tập tính khác thường, cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi để đạt năng suất cao, ít hao hụt. Chim rất ít khi mắc bệnh, nếu có cũng chủ yếu là các bệnh dễ điều trị.

Hiện trang trại của bà Tuyết có 300 con chim trĩ bố mẹ, hàng trăm con chim thương phẩm khác. Trứng chim trĩ được cho ấp nở để bán giống hoặc nuôi lớn cung cấp cho nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh. Giá bán chim trĩ 1 ngày tuổi khoảng 20.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi có giá 50.000 đồng/con, chim thương phẩm 180.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình bà lãi trên 200 triệu đồng. "Mùa chim trĩ sinh sản chính từ tháng giêng cho đến hết tháng 6 (âm lịch), vào các thời điểm khác chim trĩ có đẻ, nhưng ít hơn. Trung bình vào vụ, mỗi tháng gia đình tôi xuất được khoảng 2000 chim trĩ giống, mỗi con có giá khoảng 20.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí lãi được hơn 1 nửa" - bà Tuyết vui vẻ tiết lộ.

Bà Trịnh Thị Tuyết cho biết, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của chim trĩ là yếu tố ghép đôi, bảo quản và ấp trứng. Tỷ lệ ghép đôi phù hợp là 1 trống ghép với 4 mái trong chuồng có diện tích 2m2, không nên ghép theo tỷ lệ 1 trống 1 mái, cũng không nên ghép nhiều mái sẽ dẫn đến tỷ lệ trứng nở kém. Chim trĩ sau khi đẻ chúng rất lười ấp và nếu có ấp thì tỷ lệ nở không cao. Do đó người nuôi phải ấp trứng bằng máy để đạt tỷ lệ nở cao nhất lên đến 80 - 85%. Kỹ thuật ấp trứng chim trĩ không khác gì so với ấp trứng gà, trứng vịt. Chim khi nở, nuôi từ 3 - 4 tháng có thể xuất bán thịt, từ 6 - 7 tháng có thể cho sinh sản tùy theo chế độ chăm sóc.

Chim trĩ sinh sản theo mùa, nhưng do kĩ thuật nuôi ngày càng cao nên hầu như chúng đẻ quanh năm, nhưng các tháng đầu năm năng suất sẽ cao hơn. Bình quân mỗi năm 1 con chim mái có thể đẻ từ gần 100 trứng. Đặc biệt, số trứng, thời gian đẻ của chim trĩ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn và chăm sóc. Cũng theo bà Tuyết, Chim sinh sản có chế độ thức ăn riêng, gồm 50% cám, 10% gạo lứt, 10% bắp, lúa, bổ sung thêm đậu nành, rau xanh.....Vào mùa nắng nóng phải chống nắng cho chim và bổ xung thêm rau xanh, đồng thời hòa thêm điện giải vào nước cho chim uống.

Thông thường mỗi con chim mái đẻ khoảng 100 quả/vụ và nghỉ đến vài tháng mới đẻ trứng tiếp. Nếu giữ lại nuôi thì sẽ không kinh tế, vì vậy chuyển sang bán chim thương phẩm, nuôi lứa chim mới gối vụ chim này. Sau khi xuất bán chim thương phẩm, nền chuồng phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, trải lớp cát mới. Đây là tiến bộ kỹ thuật quan trọng giúp đàn chim sinh trưởng tốt.

"Vì thường xuyên nuôi các lứa chim bố mẹ gối vụ nên hầu như quanh năm gia đình tôi đều có chim giống bán, chính vụ thì nhiều gấp đôi còn vào trái vụ cũng xuất được 1000 chim giống/tháng. Năm nay tuy dịch covid -19 diễn biến phức tạp nhưng chim giống vẫn tiêu thụ rất tốt" - bà Tuyết chia sẻ.

hoinongdan

Video