Thừa Thiên - Huế: Từ gánh hàng rau ở chợ đến giám đốc hợp tác xã nông sản

30/09/2022
Chị Kăn Ary (Hồ Thị Nga), dân tộc Cơ Tu (huyện A Lưới - Thừa Thiên Huế) được nhiều hội viên đồng bào dân tộc tin tưởng khi nói hay, làm giỏi. Chị làm nên chuyện từ những gánh hàng rau bày bán ở chợ...
Trước khi làm Giám đốc HTX nông sản sạch A Lưới, chị Kăn Ary từng khởi nghiệp từ gánh hàng rau.

Tiếng lành đồn xa

Chị Kăn Ary kể, trước đây cuộc sống của chị khó khăn lắm, mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, mỗi ngày chỉ được từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng nhưng rất vất vả. Năm 2017, khi Hội LHPN huyện A Lưới thành lập "Tổ liên kết và tiêu thụ nông sản an toàn", chị tự nguyện tham gia bán rau tại chợ A Lưới.

Lúc đó, chị Đặng Thị Hồng, tổ trưởng tổ liên kết phấn khởi lắm khi thời điểm ấy tổ liên kết đang loay hoay tìm người "đứng chợ" nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Được giao nhiệm vụ thu mua tất cả các mặt nông sản của phụ nữ trong tổ, chị Kăn Ary luôn băn khoăn: Làm sao để phụ nữ vùng cao có được thu nhập thường xuyên? Các loại nông sản của địa phương có chỗ tiêu thụ trên thị trường? Thay đổi được cách sản xuất truyền thống kém hiệu quả và sản phẩm của các chị trở thành hàng hóa và nhiều người biết đến…

Sau một thời gian khảo sát thực địa, tìm hiểu nguyện vọng và sở trường của hội viên, chị Kăn Ary vận động hội viên có đủ điều kiện về đất đai, sức lao động có am hiểu về ứng dụng khoa học tiến bộ, có sự cam kết thực hiện tham gia hoạt động với tổ.

Tháng 4/2018, được sự hỗ trợ đắc lực của Hội LHPN A Lưới, hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn được thành lập. Đây là mô hình sản xuất theo hướng nông sản sạch, khép kín từ khâu sản xuất đến khi giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Để tạo ra nguồn cung ổn định HTX xây dựng 2 tổ trồng chuối, 1 tổ trồng rau quả, 1 tổ chăn nuôi gà, lợn tại các xã Hương Phong, Nhâm, Hồng Bắc.

Với sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm, chị Kăn Ary được bầu làm giám đốc để quản lý và tổ chức vận hành bộ máy. Sự cố gắng của chị đã được đền đáp, số lượng thành viên tìm đến chị ngày càng tăng, lúc đầu chỉ có 5 thành viên nay đã tăng lên 48 thành viên cùng tham gia chuỗi sản xuất cùng với diện tích gần 20 ha chuối và rau màu các loại.

Đặc biệt, để tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm làm ra, HTX đã xây dựng 1 cửa hàng bán nông sản, thực phẩm tại thị trấn A Lưới và 1 cửa hàng tại thành phố Huế. Các mặt hàng bày bán chủ yếu là các nông sản đặc trưng của vùng đồi núi như mật ong, chuối, gạo Ra dư, nếp than, măng rừng, rau rừng, thịt gà, thịt heo bản, tiêu, ớt… Bên cạnh việc bán các sản phẩm làm ra từ HTX, các hội viên này còn tổ chức thu mua nông sản của bà con, với phương châm "mỗi làng, xã đăng ký một loại sản phẩm".

Bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ A Lưới cho biết, sau thời gian đi vào hoạt động, hai cửa hàng tại A Lưới và thành phố Huế kinh doanh rất hiệu quả, trung bình mỗi của hàng bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày, tương đương 45 đến 60 triệu/tháng. Qua đó, tạo thu nhập ổn định cho mỗi thành viên HTX từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng hơn là các nông sản núi rừng lâu nay của bà con dân tộc đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Thắp sáng ngọn lửa khởi nghiệp

Huyện A Lưới đang tập trung phát triển mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt xây dựng các tổ hợp tác và HTX để đảm bảo các tiêu chí về phát triển nông thôn mới, qua đó tạo đầu ra cho các nguyên liệu, nông sản của bà con địa phương. Đây là hướng đi mới của A Lưới để tạo ra những đặc sản mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc A Lưới, đồng thời có những sản phẩm của A Lưới để du khách có thể đến trải nghiệm và mang về.

Chị Kăn Ary trở thành tấm gương vượt khó thành công, là động lực với phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Lưới.

Cũng từ đó, chị Kăn Ary không ngừng học tập, nghiên cứu, để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Qua các đợt tham quan học tập, qua các chuyến tham gia các phiên chợ kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh, chị đã có thêm bài học kinh nghiệm mang về tuyên truyền cho các thành viên về cách tổ chức sản xuất, kinh doanh, cách vận hành có hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Các thành viên trong HTX luôn xem chị Kăn Ary như là "cầu nối" để họ có động lực sản xuất tăng thu nhập cho gia đình. Trong những lúc khó khăn nhất, giá cả thị trường nông sản không ổn định, nhưng chị Kăn Ary luôn dành ưu tiên để bao tiêu sản phẩm cho các chị, bởi chị quan niệm rằng: Người ta cần giúp, lúc khó khăn nhất. Điều đó khiến chị em càng thêm tin tưởng chị.

Để đảm bảo sản phẩm cho thị trường, ngoài thành viên của HTX, chị Kăn Ary còn vận động thành lập 3 tổ vệ tinh với các tên gọi: "Tổ rau sạch"; "Tổ bí đỏ, bí đao"; "Tổ chuối già lùn"… Tất các các sản phẩm của các tổ đều được chị Kăn Ary bao tiêu và bình ổn giá.

Ngoài cung ứng cho thị trường siêu thị trong và ngoài tỉnh, chị luôn năng động và nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các mặt nông sản sản của địa phương mình, hàng năm chị luôn chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm số lượng khá lớn với các trường mầm non bán trú, các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn huyện và thành phố Huế mang lại doanh thu 850 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Có những lúc chị Kăn Ary cũng gặp áp lực tưởng chừng như muốn dừng lại… Thế nhưng, chị cảm thấy vui khi chị em phụ nữ nghèo bán được sản phẩm, chị có thêm động lực và yêu nghề hơn. Mong muốn của chị trong tương lai sẽ tạo được nhiều kênh cung cấp thông tin, liên kết thị trường, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nông sản an toàn.

Ngoài ra, chị cũng muốn nâng cao năng lực, được bồi dưỡng thêm về kiến thức cho các thành viên trong việc hoạt động sản xuất và kinh doanh, tạo thu nhập cho chị em đồng bào dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tấm gương vượt khó, vượt lên chính mình của chị Kăn Ary đã thêm niềm tin tưởng thắp sáng ngọn lửa khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ ở miền sơn cước còn nhiều khó khăn này.

PNVN

Video