Tiệm may áo dài “lên đời” nhờ… Hội

23/01/2021
Họ nhiệt thành và say mê chiếc áo dài, hạnh phúc mỗi khi thấy chị em mặc bộ áo dài rồi gật đầu ưng ý. Họ tin tình yêu áo dài luôn hiện diện trong trái tim mỗi người phụ nữ Việt Nam. Nhờ niềm tin yêu và say mê mà họ đã gắn bó với nghề và làm được nhiều điều có ích.
Chị Trúc Ly đã gắn bó với nghề may áo dài hơn 20 năm nay

Không còn phải lo kiếm khách

Chị Phạm Hoài Trúc Ly, 49 tuổi, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Muốn gặp chị vào những ngày này thật khó, bởi khách tới đặt may áo dài nhiều khiến chị phải luôn tay, luôn chân. “Nhờ có Hội giới thiệu mà giờ tôi may hoài không hết”, chị Ly phấn khởi.

Sinh trong gia đình có cha làm nghề may nên sau này anh chị em Ly đều theo nghề này. Khoảng mười tuổi, Ly đã được cha dạy cách lấy số đo cho khách, vẽ mẫu những kiểu áo quần đơn giản, được cha truyền dạy các kỹ thuật cắt may căn bản. Lên cấp III, lần đầu tiên được mặc áo dài trắng và chiếc quần lụa đen, Ly cảm thấy yêu mến loại trang phục duyên dáng, nền nã này và nghĩ đến việc nối nghiệp cha.

Để thực hiện ước mơ, năm 1996, khi đã lập gia đình và có con trai năm tuổi, chị lên Sài Gòn học may áo dài. Chồng đi học xa, một mình chị vừa nuôi con, vừa học nghề với vai thợ phụ, buổi tối chị nhận đồ về may để kiếm thêm tiền. Năm 2000, chồng chị tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, hai vợ chồng cùng chăm chỉ làm việc, tích cóp, đến năm 2004 thì mua được miếng đất 48m2 ở P.Tam Phú, cất nhà lá ở tạm. Rồi tiệm may nơi chị Ly học và làm nghề đóng cửa để đi nước ngoài. Chị Ly quyết định về mở tiệm ngay tại nhà mình. Tuy có nhiều khách cũ, nhưng khi mở tiệm, để người ta tin, chị phải tìm đến tận nhà khách để tư vấn, thuyết phục.

Năm 2005, chị Ly tham gia Hội Phụ nữ thì cơ hội thật sự mở ra. Cán bộ, hội viên phụ nữ tại phường biết chị may áo dài nên cứ đến lễ lạt, hội thi áo dài là đặt chị may. Đông đảo bà con theo đạo Công giáo cũng nhờ chị may áo dài dự Thánh lễ hằng tuần rất đông nên chị không còn phải lo kiếm khách. “May áo dài coi vậy mà công phu lắm. Phần cuốn gấu tay, tà áo phải may tay mới đẹp. Vóc dáng mỗi người mỗi khác, người thợ phải chú ý quan sát dáng đi, cách ngồi của khách thì may chiếc áo dài mới thật sự duyên, giúp giấu khuyết điểm của cơ thể”, chị Ly chia sẻ.

Chị Trúc Ly yêu áo dài nhiệt thành và say mê. Chị sống được với nghề và làm nhiều việc ý nghĩa cũng nhờ vào niềm say mê đó. Mấy năm nay, chị đã và đang hướng dẫn cắt, may cho hàng chục hội viên phụ nữ. Chị luôn hưởng ứng Lễ hội Áo dài TP.HCM bằng cách may miễn phí hoặc giảm giá 30-50%, tặng áo dài cho hội viên khó khăn và tham gia tặng áo dài cho giáo viên vùng sâu, vùng xa. Chị Ly bộc bạch: “Tiền công may tôi lấy 300.000 đồng/bộ. Nếu chị em do Hội giới thiệu thì tôi giảm 50% hoặc miễn phí cũng được. Với tôi, hạnh phúc là mỗi lần thấy chị em gật đầu ưng ý với bộ áo dài mình vừa may xong”.

Tình yêu áo dài

Cũng yêu áo dài và sống với nghề may như chị Trúc Ly, nhưng chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, 34 tuổi, chủ hiệu áo dài TUMUN, Tổ trưởng Tổ hợp tác may gia công P.Tam Phú, TP.Thủ Đức, lại chú trọng đến những mẫu áo dài cách tân, thêu, đính cườm với những họa tiết nổi bật. Bên cạnh áo dài, chị Tú còn thiết kế những chiếc nón lá phủ vải đồng điệu, kết hợp với túi xách mây, tre. “Hiện phân khúc khách hàng của TUMUN tập trung vào nhóm tuổi từ 18-38. Tôi chọn chất liệu gấm, lụa, voan, ren, tùy theo thiết kế để phù hợp với điều kiện thời tiết” - chị Tú cho biết.

Chị Cẩm Tú luôn tìm tòi, sáng tạo để những chiếc áo dài của mình vừa mang nét đẹp truyền thống, vừa trẻ trung, hiện đại

Chị Tú tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM và đã từng trải qua nhiều vị trí việc làm, từ thiết kế, may mẫu đến quản lý bộ phận thiết kế áo sơ mi, đầm tại các công ty. Chị kể: “Đi học, tôi đã chọn chuyên ngành áo dài và xác định sẽ theo đuổi lâu dài. Ra trường tôi làm việc nhiều nơi để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm…”.

Giờ thì TUMUN đã có hẳn một xưởng may với khoảng mười thợ. Chị Tú là “chủ xị” thực hiện các bộ sưu tập áo dài như Tết xưa - tết nay, Hoài niệm, đồng thời luôn tận tình hướng dẫn các bạn trẻ mới vào nghề. Chị tin tình yêu áo dài luôn có trong trái tim mỗi phụ nữ Việt Nam. Việc được Hội Phụ nữ các cấp đồng hành và giới thiệu sản phẩm giúp chị có thêm động lực. Tổ hợp tác may mà chị làm tổ trưởng do Hội LHPN P.Tam Phú thành lập năm 2020 vừa qua với bốn thành viên. Chị Tú thổ lộ: “Mục tiêu của tôi là kết nối để có thêm nhiều thành viên cùng tham gia tổ, vừa may áo dài, vừa gia công mẫu cho các shop. Tôi dự tính mở thêm hai cửa hiệu áo dài nữa tại Thủ Đức và ở H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang”.

phunuonline

Video