Tiền Giang: Những điển hình phụ nữ Cai Lậy làm kinh tế giỏi

10/05/2021
Hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Cai Lậy đã và đang xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, phụ nữ điển hình tiên tiến.
Bà Nguyễn Thị Mão làm giàu từ kinh tế vườn.

Điển hình làm kinh tế giỏi xã Hiệp Đức

Bà Nguyễn Thị Mão và bà Võ Kim Thoa, cùng ngụ tai xã Hiệp Đức là những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".

Với vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình, bà Nguyễn Thị Mão, cư ngụ ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức đã luôn làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với chồng, với con. Đặc biệt, bà luôn là hậu phương vững chắc cho chồng tham gia hoàn thành công việc của người Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp. Đồng thời, cũng chính là động lực, niềm tin để các con nỗ lực học hành đến nơi đến chốn, có công việc làm ổn định, giúp ích cho xã hội. Được biết, để có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, lo cho các con, bà Mão đã cùng chồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như sầu riêng, mít Thái siêu sớm. Nhờ cần cù, chí thú làm ăn mà diện tích vườn của gia đình bà luôn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao.

Bà Mão chia sẻ: "Tôi luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất có thể cho chồng con. Trong đó, tôi cố gắng làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, chăm lo những bữa ăn đầy dinh dưỡng, tạo sự gắn kết cho các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống".

Còn đối với bà Võ Kim Thoa, cư ngụ ấp Hiệp Thạnh, xã Hiệp Đức luôn biết cách vun đắp hạnh phúc gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm tốt đẹp. Với 10 công vườn trồng sầu riêng giống Mongthong và Ri6, bà đã cùng chồng tích cực chăm sóc, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy mà vườn sầu riêng xử lý nghịch vụ của gia đình bà hàng năm luôn đảm bảo về năng suất và chất lượng, thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ đó, vợ chồng bà xây dựng được căn nhà khang trang và chất lượng cuộc sống của gia đình cũng ngày càng được nâng lên.

Bà Thoa cho biết: "Tôi luôn cố gắng trong việc giữ lửa cho tổ ấm gia đình, giữ gìn tình đoàn kết xóm giềng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời luôn đồng hành cùng chồng chăm lo phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống gia đình".

Đây chỉ là 02 trong số rất nhiều hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" trên địa bàn huyện Cai Lậy. Phong trào đã thật sự có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ ngay từ cơ sở ngày càng vững mạnh, đồng thời, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Điển hình làm kinh tế xã Ngũ Hiệp

Chị Nguyễn Thúy Hằng, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, chịu khó, không chỉ nhiệt tình trong hoạt động Hội mà còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng với nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn.

Mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả cao của chị Nguyễn Thúy Hằng.

Sau đợt hạn, mặn kéo dài năm 2020, diện tích sầu riêng của gia đình chị Hằng bị thiệt hại, cây suy kiệt, lợi nhuận từ kinh tế vườn không còn như mọi năm. Với tinh thần cần cù, chịu khó, chị đã ra sức xử lý, phục hồi lại vườn sầu riêng, nhờ áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, đến nay, vườn sầu riêng của gia đình chị đã phục hồi và cho trái trở lại.

Bên cạnh cây sầu riêng, để cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình, chị Hằng còn đầu tư chuồng trại để nuôi thỏ thịt và thỏ sinh sản. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên chị chỉ mua 06 con thỏ sinh sản, sau gần 01 tháng nuôi, thỏ được phối giống và sinh sản sau một tháng nữa. Trung bình mỗi con thỏ có thể sinh sản 10 con, mỗi năm thỏ mẹ có thể sinh sản từ 07 - 08 lần. Đến nay, mô hình nuôi thỏ của chị ngày càng được mở rộng, số lượng thỏ thịt đã hơn 120 con, thỏ sinh sản gần 20 con.

Chị Hằng cho biết, thỏ dễ nuôi, lớn nhanh và chí phí chăm sóc thấp, chuồng trại khá đơn giản, chỉ làm bằng tre hoặc lưới sắt, nguồn thức ăn của thỏ chủ yếu là các loại rau quanh vườn. Đối với thỏ thịt, sau 02 tháng khi sinh, thỏ đạt trong lượng từ 2,5 - 3kg/con, thỏ thịt có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, thỏ giống 90.000 - 100.000 đồng/kg, riêng thỏ con vào khoảng 80.000 đồng/cặp, có thị trường tiêu thụ thuận lợi, chị xuất bán thỏ thường xuyên, thu về gần 05 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi thỏ. Cùng với xây dựng chuồng trại, gia đình chị còn xây hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, giải pháp này cũng giúp gia đình chị tiết kiệm nhiều chi phí về chất đốt. Ngoài ra, mỗi ngày chị Hằng còn nhận vải may quần áo cho khách, công việc này tuy có vất vả nhưng chị cũng có thêm nguồn thu nhập khoảng 04 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Huyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngũ Hiệp cho biết: "Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng triển khai nhiều mô hình cho hội viên phát triển kinh tế, riêng mô hình nuôi thỏ bước đầu mang lại hiệu quả nên được nhiều hội viên quan tâm. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi để hội viên áp dụng và sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế".

tiengiang.gov.vn

Video