TP. HCM: Người phụ nữ kiên trì với túi tự hủy làm từ tinh bột

06/08/2022
Dẫu biết sẽ còn nhiều khó khăn nhưng chị Liêu Ngọc Minh Tuyến vẫn kiên trì với dòng sản phẩm túi sinh học tự hủy làm từ tinh bột - thân thiện với môi trường.
Chị Tuyến đã có 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất bao bì và đang chuyển hướng sang sản xuất túi từ tinh bột, thân thiện với môi trường

Nhiều lần thất bại

Từ bột sắn, bột ngô, chị Liêu Ngọc Minh Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - dịch vụ Minh Phát (H.Hóc Môn) - đã nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất và cho ra thị trường dòng sản phẩm túi sinh học tự hủy, thân thiện với môi trường.

Những chiếc túi làm ra từ tinh bột sắn, ngô có màu hơi đục, có độ rít nhẹ, dai và dày, có thể được nhuộm từ màu thực vật, in vẽ logo. Nhưng ưu điểm lớn nhất của dòng sản phẩm này phải kể đến là không độc hại với người dùng, hữu ích với môi trường. Túi giữ được thực phẩm tươi lâu hơn so với túi ni-lông nhờ khả năng hút ẩm.

So sánh giữa túi ni-lông thông thường và túi làm từ tinh bột, chị Tuyến khẳng định: “Túi ni-lông thông thường cần khoảng 500 năm, thậm chí còn dài hơn, để tự phân hủy. Còn với túi làm từ tinh bột, thời gian phân hủy trung bình khoảng hai năm khi có tác động từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ, nắng, gió, hoặc sau khi được chôn lấp; khi phân hủy sẽ tạo thành nước, bùn, không ảnh hưởng đến đất, đến nước, vì thành phần chính là tinh bột”.

Chị Tuyến cho biết, chị có kinh nghiệm 22 năm trong ngành sản xuất bao bì. Doanh nghiệp của chị có 15 lao động, sản xuất khoảng 20 - 30 tấn bao bì, túi nhựa mỗi tháng và phát triển ổn định. Nhưng từ gợi ý của một người bạn, chị đã suy nghĩ nhiều đến việc sản xuất túi từ tinh bột thân thiện với môi trường, nên đã bắt tay vào thử nghiệm. “Dù được chỉ dẫn tận tình từ những người có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn đối mặt với nhiều lần thất bại, đã từng có lúc phải tạm ngừng việc sản xuất dòng sản phẩm mới này” - chị Tuyến chia sẻ.

Sự kiên trì và thành công bước đầu

Là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên khi bắt tay vào sản xuất túi tinh bột, chị Tuyến không có đủ vốn để đầu tư, mua sắm máy móc. Vì thế, chị cho thử nghiệm sản xuất túi tinh bột trên dây chuyền sản xuất bao bì có sẵn. Đúng như dự đoán, lần đầu tiên chạy thử nghiệm, 200kg tinh bột nhanh chóng chuyển thành đống phế liệu.

Sau thất bại ấy, chị cho thợ lành nghề cải tiến máy móc để nhiều tháng sau tiếp tục chạy thử lần thứ hai, thứ ba. Kết quả đã khả quan hơn, nhưng sản phẩm thì vẫn chưa sử dụng được. Chị lại tiếp tục cho nghiên cứu, cải tiến và thử nghiệm dây chuyền sản xuất thêm nhiều lần nữa. Thấy năng xuất lao động giảm, cán bộ nhân viên lo lắng. Chị động viên mọi người yên tâm làm việc và tiếp tục đồng hành cùng chị. Sau gần một năm kiên trì thử nghiệm, cuối cùng chị đã thành công.

Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm lại quá cao, gấp đôi, thậm chí là gấp ba giá túi ni-lông thông thường. Với giá thành như thế, túi làm ra từ tinh bột không thể cạnh tranh được với túi ni-lông, túi tự hủy đang có trên thị trường. Sau nhiều lần chào hàng, giới thiệu sản phẩm thất bại, chị đã bỏ cuộc, trở lại với dòng sản phẩm bao bì thông thường để duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, trong lòng luôn cảm thấy tiếc nuối và tiếp tục nuôi hy vọng có ngày trở lại…

Ba năm trở lại đây, sau khi tìm hiểu thị trường người tiêu dùng, chị Tuyến đã quyết tâm quay trở lại với túi làm từ tinh bột. Và lần “khởi động lại” này thuận lợi hơn trước khi chị nhận được một số đơn hàng từ các doanh nghiệp nước ngoài, đủ để “nổ máy” cầm chừng cùng với hoạt động sản xuất những sản phẩm thông thường, tái chế.

Chị Tuyến cho biết, về lâu dài, chị sẽ tiếp tục đầu tư, cải thiện máy móc, thiết bị để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh. Sản phẩm túi từ tinh bột đang được chị đưa đi kiểm định chất lượng ở châu Âu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh túi tinh bột, chị Tuyến cũng bắt đầu thử nghiệm sản xuất các dòng sản phẩm khác như khay đựng thực phẩm, dao, muỗng, nĩa... dùng một lần thay cho sản phẩm nhựa; triển khai các chương trình hướng người tiêu dùng làm quen và dần chuyển sang sử dụng túi sinh học tự hủy. “Vẫn biết sẽ còn nhiều thách thức, nhưng trong quá trình phát triển kinh doanh, tôi luôn kiên trì tìm hướng đi cho túi sinh học tự hủy từ tinh bột, thân thiện với môi trường. Một mình tôi chắc chắn sẽ không thể thay đổi được điều gì lớn lao, nhưng nếu nhiều doanh nghiệp cùng chuyển đổi, cùng hành động thì hiệu ứng sẽ là rất tích cực” - chị Tuyến bày tỏ.

phunuonline

Video