Tuyên Quang: Nghề làm rọ tôm ở Hợp Hòa

26/09/2020
Thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) yên bình với hình ảnh những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào Cao Lan, những cánh đồng lúa chín vàng rực. Ít ai biết được người dân nơi đây còn nổi tiếng với nghề đan rọ tôm với hình dáng độc đáo và độ bền hơn hẳn nhiều nơi khác.
Người dân thôn Hợp Hòa (Bằng Cốc) đang làm rọ tôm.

Gần 70 tuổi, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt chẻ lạt, mái tóc điểm bạc đã nhiều, bà Nịnh Thị Thanh kể lại rằng: Năm 1997, sau khi về quê ngoại ở xã Xuân Lai, Yên Bình (Yên Bái) bà có học được nghề làm rọ tôm và đã mang nghề về truyền lại cho cả thôn. Nghề làm rọ tôm ở Hợp Hòa từ đó ra đời. Bởi có vị trí địa lý gần hồ thủy điện Thác Bà, nên rọ làm đến đâu thường bán được hết ngay đến đó. Nhiều hộ dân có thêm thu nhập khấm khá từ nghề này. Chiếc rọ tôm Hợp Hòa nổi tiếng bởi độ bền, nguyên liệu làm rọ được chọn từ cây giang, cây guột trên rừng có độ già vừa phải, mang về phơi khô, chẻ nhỏ rồi hong gác bếp cho ăn đủ bồ hóng mới bỏ ra làm. Bà Thanh chia sẻ: Bình thường nếu làm nguyên liệu bằng cây tươi thì đan nhanh, vót nan cũng dễ nhưng sẽ không bền. Rọ tôm do người dân Hợp Hòa làm có thể ngâm 8 tháng trong nước, so với rọ tôm những nơi khác làm chỉ được nửa thời gian trên. Rọ được đan có độ thưa để khi ngâm lâu trong nước, rong rêu bám không thể bịt kín thân rọ, tôm ở trong lâu không bị chết.

Toàn thôn Hợp Hòa hiện có 147 hộ dân thì có 120 hộ biết đan loại rọ này. Chị Lương Thị Thủy, năm nay mới 25 tuổi nhưng đã có trên 10 năm gắn bó với nghề. Chị chia sẻ: Cái khó của đan rọ tôm là se ống cho rọ phải tròn, nhét ngón tay trỏ vừa khít không bị méo, nan phải đều, khi chẻ nan phải giữ được cật và bụng tre theo tỷ lệ 1 phần cật thì 2 phần bụng. Có như vậy thì khi đan rọ sẽ khỏe, cứng, không bị nứt gẫy.

Mỗi chiếc rọ tôm nơi đây bán được 4.000 đồng, nếu một người thành thục sẽ làm được 20 chiếc mỗi ngày, còn mới vào nghề sẽ làm được ít hơn. Người dân Hợp Hòa đã thành nếp, trước mỗi phiên chợ ngày thứ 4 và thứ 7 hằng tuần họp tại xã Xuân Lai, Yên Bình (Yên Bái), bà con đều tập hợp các sản phẩm tại nhà một hộ dân rồi sáng sớm hôm sau gánh mang ra chợ bán buôn cho thương lái, từ đây rọ tôm sẽ tỏa đi khắp vùng Yên Bình (Yên Bái), Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) có chuyến hàng còn đi cả Hòa Bình, Sơn La. Mỗi tháng nếu làm đều mỗi hộ dân cũng thu nhập được 3 triệu đồng, đủ phần nào trang trải cho cuộc sống.

Gia đình bà Lâm Thị Thức, là một trong các hộ duy trì liên tục nghề đan rọ tôm được hơn 20 năm nay cho biết: Cái hay của nghề đan rọ tôm là ai cũng làm được từ già trẻ, gái trai. Bà bảo, nhìn cái giỏ đan tưởng dễ nhưng nhìn kỹ thì hoàn thiện một chiếc rọ cũng thật khắt khe. Chiếc hom ngoài phải to hơn hom trong một chút, làm sao phải đủ rộng để tôm dễ dàng chui vào ăn mồi nhưng cũng vừa đủ nhỏ để tôm không thể ra ngoài, rọ phải có độ chắc, có chỗ buộc dây sao cho đu đưa trong dòng nước không bị tuột, không bị biến dạng...

Tuy nhiên, hiện nay số hộ duy trì nghề làm rọ tôm của thôn Hợp Hòa ngày càng ít đi. Chị Ngô Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bằng Cốc chia sẻ: Khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu làm rọ ngày càng khan hiếm, thêm vào đó lớp thanh niên trong làng đều đi làm công nhân ở các khu công nghiệp nên nghề đã bị mai một nhiều, chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền cho lớp người già có ý thức truyền nghề cho lớp trẻ để tạo điểm nhấn về nghề tiểu thủ công nghiệp của xã.     

baotuyenquang

Video