Ước vọng từ nghề đan lát

10/06/2020
Được đào tạo, phụ nữ Lâm Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo hơn. Đây là nghề có tiềm năng lớn để những sản phẩm thủ công trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch và tăng nguồn thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Chị em phụ nữ thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm cần mẫn duy trì nghề đan lát hàng ngày để làm ra những sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Những người phụ nữ Tày, Dao ở Lâm Bình khi lên 18 tuổi đã biết đan lát. Từ nguyên liệu mây, tre, giang, họ chuốt thành những mềm dẻo để đan thành làn, nong, nia, rổ, rá… phục vụ cho lao động sản xuất và trong sinh hoạt hàng ngày. Giờ được quan tâm tổ chức các lớp dạy đan lát, phụ nữ Lâm Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo hơn. Đây là nghề có tiềm năng lớn để những sản phẩm thủ công trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch và tăng nguồn thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nghề khéo tay, hay làm

Không phải ngẫu nhiên mà người phụ nữ Tày gọi nghề đan lát là nghề “khéo tay, hay làm”. Bởi ngoài biết đan những đường cơ bản thì người phụ nữ phải có óc sáng tạo và khéo tay thì mới tạo ra những đường nét hoa văn tinh tế. Ngoài khéo tay thì người đan cần phải chịu khó, cần cù để luyện tay nghề để rút ngắn được thời gian tạo ra các sản phẩm.

Chị Sằm Thị Thu, dân tộc Tày, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm từ khi 18 tuổi đã biết đan lát. Sau khi tham gia lớp học đầu tiên do Hội Nông dân tỉnh mở vào tháng 6-2019, chị Thu đã đan được nhiều sản phẩm mây tre đan bán cho khách du lịch. Những thanh tre khô cứng, qua đôi tay của chị trở nên mềm dẻo có thể đan thành đĩa đựng hoa quả, mâm, ấm ủ, lọ hoa đẹp mắt.

Lớp dạy nghề đan lát cho chị em phụ nữ tại xã Bình An.

Chị Thu không nhớ mình đã bán được bao nhiêu sản phẩm cho khách. Những sản phẩm đẹp nhất được chị treo ở trước hiên nhà. Nhiều khách du lịch đi qua thấy đẹp và lựa chọn làm quà tặng. Chị Thu bảo, sản phẩm thấp nhất có giá 100.000 đồng, cao nhất là 250.000 đồng, tùy vào từng sản phẩm và công sức chị bỏ ra. Nếu chịu khó đan sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và có thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Chị Thu thường tranh thủ thời gian buổi tối để đan lát. Một sản phẩm nếu không quá kỳ công chỉ cần hai buổi là hoàn thành. Nhưng nếu sản phẩm có kích cỡ to, nhiều hoa văn và cầu kỳ hơn thì sẽ phải mất từ 3 đến 4 ngày mới xong.

Chị Quan Thị Cát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lâm cho biết: “Trước đây lớp dạy đan lát chỉ có 35 phụ nữ tham gia, nhưng nay số người biết đan lát thành thạo gấp đôi con số này. Ban đầu, các sản phẩm làm ra thường là những vật dụng có kích thước to, cồng kềnh, nhưng để đáp ứng sự tiện lợi của khách du lịch nên chị em cũng linh hoạt chuyển sang đan lát những sản phẩm nhỏ xinh như hộp đựng chè, mỹ phẩm, mâm hoa quả, đĩa, giỏ, ấm ủ…. Sản phẩm làm ra đến đâu được khách du lịch lấy đến đó”.

Hướng đi bền vững với nghề

Nhận  thấy tiềm năng mang lại thu nhập từ nghề đan lát, từ năm 2019 đến nay, tỉnh, huyện đã mở nhiều lớp dạy nghề đan lát tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An, Hồng Quang… Vừa mở lớp dạy nghề, huyện còn quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm. Tại xã Khuôn Hà, chị em phụ nữ được Hợp tác xã Nhật Minh cung ứng nguyên liệu mây, tre, giang và thu mua toàn bộ sản phẩm. Đối với lớp dạy đan lát vừa mới mở tại xã Bình An, huyện cũng đã tìm được nơi bao tiêu sản phẩm cho chị em.

Theo chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáp dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, các lớp dạy nghề đan lát do huyện mở vừa qua đều gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Các đơn vị nhận thu mua sản phẩm đan lát của chị em thường nhận thu mua với số lượng lớn lên tới hàng ngàn sản phẩm. Đây cũng là một khó khăn khi mà chị em chủ yếu đan lát thủ công, thời gian làm ra một sản phẩm còn chậm. Muốn làm ra nhiều sản phẩm để đáp ứng cho đơn vị thu mua với số lượng lớn cần sự chuyên nghiệp hơn từ công đoạn chọn và chuẩn bị nguyên liệu. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cũng sẽ tham mưu với UBND huyện hỗ trợ chị em phụ nữ một số thiết bị làm nghề đan lát để tăng tính chuyên nghiệp và tạo ra số lượng sản phẩm nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thu mua của các đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Phụ nữ Dao thôn Tống Pu, xã Bình An biết đan lát tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch.

Anh Hoàng Văn Tuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nhật Minh cho biết, bình quân, mỗi tháng, Hợp tác xã thu mua trên 200 sản phẩm đan lát của chị em. Hợp tác xã hiện liên kết với Công ty TNHH Sản xuất mây tre Phú Nghĩa, Công ty TNHH Phát triển thương mại và đầu tư Long Thành, Hà Nội để thu mua sản phẩm. Việc mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm cũng gặp khó khăn do số lượng sản phẩm làm ra chưa nhiều, trong khi các đơn vị thu mua với số lượng lớn. Anh Tuyên mong muốn, chị em phụ nữ sẽ được hỗ trợ nâng cao tay nghề hơn nữa để làm nhanh hơn và chuyên nghiệp hơn, biến các sản phẩm đan lát thủ công không chỉ là sản phẩm du lịch bán lẻ mà còn là sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhiều nơi.

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm đan lát ở Lâm Bình vẫn chủ yếu được giới thiệu qua trang facebook cá nhân hoặc được giới thiệu tại các homestay, lễ hội ở Lâm Bình… Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần có sự phối hợp để có các hình thức quảng bá phong phú, đưa sản phẩm đan lát của phụ nữ Lâm Bình đến với du khách gần xa.

baotuyenquang

Video