Vị thế mới của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

18/10/2021
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được khẳng định, nâng cao.
Chị Nay H’Toanh (thứ hai từ phải qua trái) tặng quà cho cán bộ y tế địa phương chống dịch

Chị Nay H’Toanh, dân tộc Gia Rai, Bí thư Đảng uỷ xã Ea Sol, huyện Ea H'leo là một trong rất nhiều phụ nữ người DTTS đã vượt qua nghịch cảnh, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân. Năm 2021, xã Ea Sol đã được công nhận là xã nông thôn mới, trong đó có một phần công sức đóng góp không nhỏ của nữ Bí thư Đảng uỷ xã trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội tại địa phương.

Chị Nay H’Toanh kể rằng, nếu chị cũng như bạn bè cùng buôn làng, học xong THCS là “bắt chồng” thì chị sẽ không có cơ hội được nắm giữ trọng trách quan trọng tại địa phương như ngày hôm nay. Nhớ lại ngày trước phải đi bộ cả hàng chục cây số ra trường huyện, rồi khăn gói ra tỉnh, đến ở nhờ bà con để đi học với bao vất vả, chị Nay H’Toanh vẫn chưa hết xúc động...

Tại tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, chính trị, kinh tế, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước rất cao. Cấp tỉnh, huyện đều có không ít nữ cán bộ giữ vị trí cao, giỏi giang, ngày càng tự tin, bản lĩnh và nhạy bén. Ở nhà, họ vẫn là người mẹ, người vợ đảm đang, ngoài xã hội, họ là những nữ lãnh đạo đầy bản lĩnh, tự tin.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Huyện uỷ Ea H'leo thì những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ người DTTS nắm giữ những cương vị cán bộ chủ chốt ở các địa phương. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng tham gia vào cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, ở cấp xã, cán bộ nữ quy hoạch nguồn đạt tỷ lệ trên 25%, cán bộ nữ quy hoạch nguồn cấp ủy huyện trong nhiệm kỳ này đạt tỷ lệ 30%. Đây là con số khá ấn tượng trong các nhiệm kỳ đại hội. Ðể đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ nữ người DTTS, Huyện ủy cũng đã chủ động, xây dựng nguồn lực tạo điều kiện để cán bộ nữ người DTTS tiếp cận và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó chị em có thêm cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân.

Tại tỉnh Đắk Lắk, chị Lê Thị Thanh Xuân là nữ Tiến sỹ Văn hoá dân gian đầu tiên người M’nông ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14. Nay trên cương vị Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk khoá 15, chị vẫn bồi hồi khi nhắc lại những ý kiến đóng góp của mình tại diễn đàn Quốc hội khoá 14 về chăm lo đời sống cho đồng bào các DTTS ở vùng Tây Nguyên, từ đó Quốc hội có thêm cơ sở để ra Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nữ Tiến sỹ Lê Thị Thanh Xuân, dân tộc M’nông là đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

Trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, có dự án số 8 về việc "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Trong đó có việc nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS, nâng cao điều kiện sống hiện tại của phụ nữ DTTS, đáng chú ý nhất là việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ. Điều này là rất quan trọng, bởi khi người phụ nữ nắm quyền kinh tế trong gia đình, họ sẽ có quyền đưa ra quyết định.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, phụ nữ người DTTS chiếm hơn 49% trong tổng số hơn 14 triệu người DTTS trên toàn quốc. Từ việc ngày ngày cặm cụi lao động, thêu thùa, chăm con, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có người không thể nói được tiếng phổ thông, đến nay vai trò, vị thế phụ nữ đã đổi thay mạnh mẽ từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Phụ nữ Đắk Lắk rất tự hào khi có Hoa hậu H’Hen Niê, người con gái Ê Đê được nhắc đến nhiều, với câu nói khẳng định nghị lực vượt lên hoàn cảnh là: "Tôi đến từ một dân tộc thiểu số, thay vì tảo hôn, tôi đã lựa chọn đi học. Nếu tôi làm được, các bạn cũng làm được".

Hoa hậu H Hen Niê đi làm thiện nguyện tham gia chống dịch

Hay như siêu mẫu H’Ăng Niê, khi TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch của cả nước thì H’Ăng đã tình nguyện tham gia vào đội phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Người đẹp không nề hà việc gì, hễ nơi nào cần là H’Ăng đến giúp. Từ vận chuyển lương thực, để phân phát cho bà con, đến hỗ trợ người cách ly tại gia thực hiện các biện pháp phòng bệnh, rồi tư vấn chăm sóc người bệnh tại gia... Siêu mẫu còn tham gia rất nhiều các chương trình thiện nguyện khác tại quê nhà buôn Niêng, xã Ea Nuol, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lăk.

Từ việc làm cụ thể của mình, những bông hoa đẹp của núi rừng Tây Nguyên đã thêm một lần nữa, chứng minh một điều là nhận thức của phụ nữ về quyền làm chủ, về bình đẳng giới đang thực sự có nhiều đổi thay tích cực trong cộng đồng người DTTS hôm nay.

Ngày nay, trong nhiều những mái ấm gia đình người DTTS, đàn ông không còn toàn quyền quyết định những việc lớn, nhất là những việc liên quan đến phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, mà đều có sự bàn bạc, thống nhất với người phụ nữ. Phụ nữ người DTTS đã có sự bình đẳng hơn để tham gia công tác tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực, để vừa phát triển bản thân, vừa đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng .

Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao người. Tuy nhiên, chính trong dịch bệnh, phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng lại một lần nữa chứng minh tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khả năng “thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”mà Chính phủ mới ban hành.

baodantoc.vn

Video