Vĩnh Phúc: Nâng chất cho “hạt ngọc Phú Xuân"

17/12/2021
Gạo Phú Xuân là một sản phẩm đã làm nên thương hiệu Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù giá cao hơn so với nhiều loại gạo tẻ khác nhưng gạo Phú Xuân vẫn luôn nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, bên sản phẩm Gạo Phú Xuân

Chia sẻ về HTX, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý Lê Thị Hương cho biết: HTX có gần 2.500 thành viên, là HTX có số thành viên đông nhất trên cả nước. Diện tích canh tác của HTX trên diện tích hơn 148 ha, trong đó lúa là cây trồng chủ lực và chiếm tới 98% diện tích.

Điểm yếu nhất của HTX là việc sử dụng công nghệ số còn hạn chế. Những người nông dân vốn chỉ quen với đồng ruộng không biết lên mạng quảng bá sản phẩm. Facebook, Zalo dùng cũng chưa thạo. Ấy thế mà, gạo Phú Xuân đã nổi tiếng và được người tiêu dùng nhiều tỉnh/thành đón nhận. Đó là do các thành viên trong HTX luôn giữ uy tín, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, để "hữu xạ tự nhiên hương".

Kể lại thì đơn giản vậy nhưng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và đạt được chứng nhận OCOP 3 sao, với những người nông dân, là cả một chặng đường dài.

Mạnh dạn thay đổi để nâng tầm sản phẩm

Xã Phú Xuân có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp để canh tác lúa. Bà con nông dân đã sớm áp dụng khoa học, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên khi xay xát, hạt gạo không bị gãy, luôn trắng trong, có mùi thơm; khi nấu thì cơm không bị dính, hạt cơm dẻo và dai, có vị thơm đặc trưng. Bên cạnh đó, nhờ quá trình canh tác đảm bảo nên gạo đạt chứng nhận an toàn thực phẩm.

Dù giá cao hơn so với nhiều loại gạo tẻ khác nhưng gạo Phú Xuân vẫn luôn nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.

Dù hạt gạo làm ra có chất lượng vượt trội nhưng trước đây, do sản phẩm chưa có thương hiệu hoặc dấu hiệu nhận biết trên thị trường như: Tem nhãn, bao bì, mã vạch… nên khả năng cạnh tranh thấp. Nhận thấy những hạn chế đó, 5 năm qua, được sự trợ giúp của chính quyền, các đơn vị chức năng, Hội LHPN các cấp, HTX đã thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, từ đó thu hút các doanh nghiệp đến tận nơi để thu mua, bà Lê Thị Hương cho biết.

HTX cũng mạnh dạn vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Song song với việc tích cực chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao như RVT, DQ11, TB225…, chăm sóc theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Phú Xuân, HTX cũng nỗ lực xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi và áp dụng quy trình sản xuất khoa học, đúng tiêu chuẩn được kiểm soát từ khâu đầu vào đến khi thu hoạch. Sản phẩm gạo Phú Xuân đã có mặt ở hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong mùa dịch Covid-19, HTX đã duy trì mức bán trợ giá gạo cho bà con trong tỉnh và các vùng lân cận.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý Lê Thị Hương chia sẻ: Từ những nỗ lực đã đạt được, trong thời gian tới, HTX tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm gạo, đáp ứng và thu hút được thêm nhiều khách hàng tiêu dùng sản phẩm. Cùng với đó, sẽ liên kết với các địa phương lân cận sản xuất lúa theo quy trình Vietgap; đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị; triển khai thêm các sản phẩm khác từ gạo như rượu, dấm, mì gạo để nâng cao giá trị gạo Phú Xuân. Đồng thời HTX góp phần giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn, nâng mức thu nhập của mỗi thành viên lên 55 triệu đồng/người/năm. HTX cũng đang được sự hỗ trợ của địa phương để hoàn thiện website và một số kênh bán hàng trực tuyến, để đưa hạt gạo Phú Xuân vươn xa, đến với người tiêu dùng nhiều vùng miền hơn nữa.

PNVN

Video