Vợ chồng khuyết tật 9X khởi nghiệp từ tay trắng: 'Khó khăn chỉ là thử thách'

28/12/2021
Tại P.3, TP.Vị Thanh (Hậu Giang), anh Nguyễn Ngọc Thưởng (27 tuổi) và chị Diệp Thị Bé Thu (26 tuổi) được người dân khen ngợi là đôi vợ chồng khuyết tật giàu nghị lực.

“Toả sáng” với đôi chân tật nguyền

Gặp chàng trai khuyết tật Nguyễn Ngọc Thưởng, ấn tượng đầu tiên là nụ cười thường trực trên môi. Đồng hành với anh trên con lộ nông thôn gập ghềnh là chiếc xe máy ba bánh kèm theo đôi nạng cũ.

Anh Thưởng cho biết, năm 6 tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa chuẩn bị đến trường thì anh phải đối diện với biến cố nghiệt ngã trong cuộc đời. May mắn qua cơn thập tử nhất sinh nhưng di chứng của cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân anh vĩnh viễn không thể đi lại bình thường.

Sau đó, khi địa phương mở lớp dạy may, dù đi lại bất tiện, anh vẫn chịu khó hoàn thành khóa học gần 3 tháng. Trong tay có nghề, anh mong xin được việc làm để nuôi sống bản thân nhưng các nơi tuyển dụng không hồi đáp nguyện vọng của anh.

Không nản chí, anh Thưởng tự học và thử nghiệm mô hình khởi nghiệp nuôi cá lóc, gà, vịt. Cố gắng lấy công làm lời, mỗi ngày anh xuôi, ngược trên con sông trước nhà để giăng lưới kiếm thức ăn chăn nuôi. Nhưng do thiếu kinh nghiệm cộng thời điểm bán rớt giá, nhiều lần thất thoát nên anh Thưởng muốn tìm một cơ hội mới trên TP.HCM. “Tại đây, nhiều công ty từ chối thẳng thừng. Họ lắc đầu vì không có vị trí nào phù hợp cho người khuyết tật”, anh Thưởng chia sẻ.

Không mặc cảm số phận, anh cố gắng hết sức và may mắn rồi cũng mỉm cười với anh. Nhờ sự chỉ dẫn của người quen, anh xin được việc ở một cơ sở sản xuất bao bì. Hầu hết nhân viên ở đây đều là người khuyết tật.

Trong tay có ít vốn, anh Thưởng quyết tâm về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi gà. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn phường về vốn vay, anh Thưởng có điều kiện mở rộng mô hình. Đợt vừa rồi, anh xuất bán gần 5.000 con gà, thu lãi hơn 40 triệu đồng.

Anh Thưởng hiện là chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật P.3, TP.Vị Thanh. Ngoài việc chủ động kết nối các bạn trẻ khuyết tật tham gia CLB, anh còn nỗ lực vận động xe lăn, tặng quà hỗ trợ thanh niên cùng cảnh ngộ và các em nhỏ có số phận thiệt thòi.

Người địa phương mến anh Thưởng bởi sự nhiệt tình. Di chuyển khó khăn nhưng ai ủng hộ gì thì anh đều sẵn sàng đến nơi để nhận. Vừa qua, anh Thưởng phối hợp Đoàn phường đi trao trực tiếp 15 phần quà cho thanh niên và 25 suất cho các em thiếu nhi khuyết tật.

Nhận xét về anh Thưởng, chị Trần Thị Trúc Phương, Bí thư đoàn P.3, TP.Vị Thanh, chia sẻ: “Thưởng tốt bụng, hoà nhã với mọi người. Đặc biệt, lối sống tích cực của Thưởng đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên khuyết tật ở địa phương giúp các bạn không còn tự ti, mặc cảm vì nghĩ người khuyết tật vẫn có thể làm những điều tốt đẹp cho xã hội”.

Mới đây, anh Thưởng là 1 trong 50 tấm gương khuyết tật được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương danh hiệu Toả sáng nghị lực Việt 2021.

Hai mảnh khuyết đồng điệu

Vợ anh Thưởng là chị Diệp Thị Bé Thu, cũng khuyết tật bẩm sinh, đôi chân teo tóp, dị dạng. Vì nghịch cảnh, chị không được học hành đến nơi, đến chốn.

Hai mảnh đời thiệt thòi nhưng chịu khó làm ăn. Sự thành công của lứa gà mới đây cũng là "của chồng công vợ". Theo chia sẻ của anh Thưởng, nuôi gà không quá kỳ công nhưng với vợ chồng anh thì gian nan. Không thể mang vật nặng, việc bưng bê thức ăn, tiêm thuốc cho vật nuôi, vợ chồng anh phải làm chậm, nhiều lần mới xong. Những lúc việc chăm sóc vượt quá khả năng, anh Thưởng và chị Thu phải nhờ người thân, hàng xóm giúp đỡ. Ai cũng tận tình vì thương đôi vợ chồng khuyết tật trẻ có nhiều khát vọng vươn lên.

Sau một năm chung sống, cả 2 nhận tin vui, bé trai kháu khỉnh chào đời, được đặt tên là Minh Nhật. “Khuyết tật, lại khởi nghiệp từ tay trắng, vợ chồng tôi khuyên nhau cố gắng làm thì khó khăn cũng chỉ là thử thách. Chúng tôi mong muốn con lớn lên sẽ có điều kiện học hành tử tế để có tương lai xán lạn hơn”, chị Thu bộc bạch.

khoinghiep.org.vn

Video