Video

Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột

10/12/2020
Việt Nam đã đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình. Mặt khác, khẳng định vai trò phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột...
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (giữa ảnh) và các đại biểu tham dự hội nghị

Tối 9/12, tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế với chủ đề "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả" đã bế mạc.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (phải) trao đổi cùng bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Phát biểu trực tuyến, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Giám đốc Điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì đã tổ chức thành công Hội nghị hết sức ý nghĩa này trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bà khẳng định Hội nghị là cơ hội đặc biệt để cộng đồng quốc tế tái khẳng định các cam kết và nỗ lực, đề ra các giải pháp mới nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Qua 5 phiên họp toàn thể và 4 phiên thảo luận chuyên đề, Hội nghị đã tập trung đánh giá việc triển khai chương trình nghị sự toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong 20 năm qua. Hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất trong phối hợp, định hướng chính sách và hành động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong tiến trình xây dựng và củng cố hòa bình.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, Hội nghị khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ để thực hiện 4 trụ cột chính của chương trình nghị sự toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Bảo đảm phụ nữ được tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong quá trình ra quyết định. Lồng ghép quan điểm giới và sự tham gia của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết nguồn gốc của xung đột. Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, tăng cường vai trò của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi trong và sau xung đột.

Với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình. Bên cạnh đó là tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, hỗ trợ tài chính và lồng ghép chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ. Mặt khác, ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên. Văn kiện này đã nhận được sự hưởng ứng và đồng tác giả của 11 nước gồm Estonia, Phần Lan, Mexico, Malaysia, Lào, New Zealand, Na Uy, Anh, Thụy Điển, Đức, Myanmar. Văn kiện sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi để các quốc gia thành viên LHQ tham gia đồng bảo trợ trong thời gian tới trước khi được Việt Nam chính thức gửi tới Chủ tịch Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ.

https://phunuvietnam.vn/

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả