Video

Tiền Giang: "Hố rác di động tại gia đình" - mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

16/12/2020
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Từ đó, nhiều hoạt động, mô hình về bảo vệ môi trường được thành lập. Trong đó, mô hình "Hố rác di động tại gia đình" đang phát huy hiệu quả tích cực, thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia.
Hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Chánh B đang đổ rác vào "Hố rác di động tại gia đình".

Năm 2017, xã Mỹ Hội được công nhận xã nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã xây dựng kế hoạch, xây dựng mô hình "Hố rác di động tại gia đình" để nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường cũng như góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới. Mô hình hố rác di động, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình được Hội LHPN xã Mỹ Hội chọn Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Chánh B làm điểm. Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Chánh B có 339 hội viên sinh hoạt ở 06 tổ phụ nữ. Đây cũng là ấp tiên phong trong thực hiện mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, nên việc tuyên truyền, vận động khá thuận lợi. Lúc mới triển khai, mô hình cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trước đây, việc xử lý rác thải của chị em vẫn được thực hiện theo kiểu tự phát, chỗ nào có đất trống là người dân mang rác đến vứt, nhất là hai bên bờ sông, rác thải tràn lan. Hội LHPN xã đã tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ về lợi ích của hố rác di động cũng như việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình mua vật liệu xây dựng hố rác.

Để xây dựng hố rác, mỗi hộ gia đình chỉ cần để một khoản đất trống ngang khoảng 01m, rộng 01m, sâu 01m, bên trên có nắp đậy làm bằng ván, nhựa hay tole. Chi phí xây dựng mỗi hố rác chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng, nhưng đem lại hiệu quả cao trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Hàng ngày, những rác thải dễ phân hủy như xác trà, cà phê, vỏ trái cây hay rau cải hư, các hộ gia đình sẽ đem bỏ vào hố. Sau khi hố đầy và phân hủy xong, chị em xới lên lấy làm phân phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cứ như thế, hố rác lại di động đến các địa điểm thích hợp khác. Riêng những loại rác khó phân hủy như chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt thì chị em để ráo, rồi gom riêng ra 01 khu vực để bán ve chai. Với cách làm đơn giản nhưng hiệu quả, mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các hội viên, thu hút ngày càng đông số hộ tham gia. Nếu như cuối năm 2018, chỉ có 82 hố rác được xây dựng, thì đến nay, đã có 281 hội viên, phụ nữ của ấp Mỹ Chánh B xây dựng hố rác di động tại gia đình. Sau một thời gian thực hiện có hiệu quả mô hình "Hố rác di động tại gia đình", Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Hội đã tiếp tục vận động hội viên trồng cây xanh trên mỗi hố rác. Hố rác nào đầy sẽ được trồng trên đó một cây xanh phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và điều kiện từng hộ gia đình. Đó có thể là cây ăn trái, cây bóng mát hay cây cảnh và cũng có thể là những vườn rau xanh...

Thực hiện tiên phong mô hình này là chị Nguyễn Thị Tỏ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Chánh B. Trong khu vườn rộng hơn 1.000m2, hiện chị trồng chuyên canh cây mít, diện tích đất phía sau nhà được sử dụng để trồng chuối, mía. Chị Tỏ cho biết, nơi trồng chuối hay những khóm mía hiện tại trước đây từng là những hố rác. Sau khi được vận động, chị đã thực hiện mô hình và thấy hiệu quả ngay mà còn làm cho vườn cây thêm xanh tốt, mô hình "Hố rác di động tại gia đình" còn góp phần quan trọng trong việc làm sạch, đẹp đường làng, ngõ xóm và góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại nông thôn, nhất là những nơi chưa có tổ thu gom rác thải.

Tiếp nối hiệu quả của mô hình "Hố rác di động tại gia đình", Hội LHPN xã Mỹ Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhằm thay đổi nhận thức của chị em hội viên cũng như nhân dân trong việc xử lý rác thải sinh hoạt gia đình… Thông qua đó, đưa cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" ngày càng đi vào chiều sâu, một số chị em đã đóng góp các loại rác tái chế vào "Ngôi nhà xanh tiết kiệm" của Chi hội để gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm ý nghĩa này được nhiều chị em tích cực hưởng ứng.

Có thể nói, các phương án thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt đã và đang áp dụng trong mô hình "Hố rác di động tại gia đình" là hình ảnh trực quan sinh động nhằm nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nói chung và người dân nông thôn nói riêng; góp phần giúp đường làng, ngõ xóm được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, rác thải được thu gom và xử lý ngay tại hộ gia đình. Ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ cũng từ đó ngày càng được nâng cao hơn.

Từ những hiệu quả thiết thực và cụ thể, thời gian tới, mô hình "Hố rác di động tại gia đình" sẽ được Hội LHPN xã Mỹ Hội tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng ra các ấp, nhằm từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương.

tiengiang.gov.vn

MÔ HÌNH HAY

Thăm dò ý kiến

Xin ý kiến về chuyên đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2019

  • Chuyên đề thực sự cần thiết
  • Cần tuyên truyền rộng hơn về thực hiện chuyên đề
  • Ý kiến khác
Xem kết quả