Cán bộ Hội được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định: Trưởng thành từ những lần tự chạy xe máy đến với cơ sở
Sở thích đi… cơ sở
Đó là câu chuyện về chị Đặng Thị Xuân (sinh năm 1978), Trưởng Ban Tổ chức - Văn phòng, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn. Chị Xuân vinh dự là một trong số 30 cá nhân xuất sắc được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định – Giải thưởng cao quý của Hội LHPN Việt Nam dành cho cán bộ Hội xuất sắc, lần thứ nhất, năm 2024.
Chị Xuân cho biết, cuối năm 2002, chị về công tác tại Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn. Là một nữ cán bộ trẻ, trải nghiệm lẫn kinh nghiệm về công tác phụ nữ với chị rất thiếu. Chị hiểu rằng, hành trình học hỏi để trưởng thành của người cán bộ Hội phải bắt đầu từ những chuyến đi cơ sở.
Chị Xuân bồi hồi trong dòng cảm xúc: “Trước, tôi công tác trong ngành giáo dục, những kiến thức và chuyên môn tích luỹ được đều liên quan đến giáo dục. Còn cách thức tổ chức hoạt động, vận động, tuyên truyền trong công tác phụ nữ như thế nào, tôi rất bỡ ngỡ và non nớt. Phải sau một thời gian làm quen, học hỏi từ các chị đi trước, đặc biệt là từ những lần được đi tới cơ sở, gặp gỡ, làm việc trực tiếp với chị em hội viên, phụ nữ thì tôi mới thấu hiểu công việc hơn, vượt qua mọi khó khăn để rồi cống hiến đến tận bây giờ”.
Mỗi lần được đi thực tế tại cơ sở, chị Xuân đều tranh thủ tìm hiểu, hỏi thăm tình hình, cố gắng gần gũi nhất có thể với từng hoàn cảnh hội viên, phụ nữ của địa bàn. Trong lời kể của chị, ở đó còn không ít hoàn cảnh chị em khó khăn, gặp nhiều thiệt thòi, cần được quan tâm, hỗ trợ, khiến chị trăn trở, thôi thúc bản thân phải hành động, phải làm gì đó để góp phần thay đổi nhận thức, giúp các chị em vươn lên cải thiện đời sống.
Trở về sau mỗi chuyến đi, chị cặm cụi tổng hợp thông tin, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để tham mưu, xin ý kiến lãnh đạo Hội LHPN tỉnh triển khai trong thực tế. “Cùng là người dân tộc thiểu số nên tôi phần nào hiểu được tâm lý kín đáo, không dễ mở lòng chia sẻ của các chị em phụ nữ vùng cao. Mình phải chân thành thì mới tạo được thiện cảm và niềm tin nơi mọi người”, chị Xuân chia sẻ.
Chị Xuân trong một buổi tuyên truyền triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" tại cơ sở Hội.
Chị Xuân thường tự chạy xe máy đến những làng, bản thuộc vùng sâu, vùng xa của địa phương chỉ để được gặp, được nói chuyện với các chị em hội viên, phụ nữ ở đó, để hiểu hơn những mong muốn của phụ nữ đối với cán bộ và tổ chức Hội. Chị đi từ tờ mờ sáng, khi đứa con thơ vẫn còn say giấc ngủ, phải nhờ bà ngoại trông giúp. Có lần quãng đường cả đi, cả về trong ngày gần 200km, phải vượt bao con đèo, con suối, vất vả là thế nhưng chị Xuân chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ dừng lại công việc của mình. Với chị, gần gũi là để thấu hiểu, vất vả là động lực để tốt hơn, và không biết tự bao giờ, với chị đi cơ sở đã trở thành… sở thích.
Chị Xuân cho biết, ngoài kế hoạch, những lúc rảnh rỗi, chị cũng thường xuyên rủ cán bộ trong ban, đơn vị đi cùng. Mọi người đều rất hưởng ứng với suy nghĩ đi cơ sở để rèn luyện. Những câu chuyện, chồng địu con đi sinh hoạt và nộp lệ phí Hội thay vợ, hay người mẹ tuổi mười tám đôi mươi không nhớ nổi 4 đứa con của mình sinh năm nào… đã trở thành kỷ niệm khó quên trong suốt nhiều năm công tác của chị Xuân và đồng nghiệp.
Luôn “cháy” hết mình với công tác Hội
Năm 2021, trong bối cảnh tỷ lệ thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội của toàn tỉnh còn thấp, phát huy tinh thần tiên phong, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Như tại thôn Ngạn Thét, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể có hơn 40 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Qua khảo sát, chị Xuân nhận thấy số lượng phụ nữ trong thôn 100% đều theo Đạo Tin Lành, song chỉ có khoảng hơn chục người tham gia sinh hoạt và là hội viên của tổ chức Hội LHPN. Bám sát thực tế đó, chị Xuân đã dành nhiều thời gian đến cơ sở, dành tâm sức vạch ra phương hướng nhằm vận động, tăng thu hút tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Mặt khác, cũng là để chị em được nâng cao nhận thức, hiểu biết, không để bị đối tượng xấu lợi dụng.
Chị Xuân phổ biến và hướng dẫn về các tiêu chí PTTĐ Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới cho các chị em tại cơ sở Hội.
Chị Xuân cho biết, chị em trong thôn không thạo tiếng Kinh nên việc đi tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng những hành động giản dị mà gần gũi, chị đã dần thay đổi nhận thức và cái nhìn của các chị em về tổ chức Hội. Bản thân chị đã tự hỗ trợ con giống gà, kỹ thuật chăn nuôi cho một vài hộ, để họ tận dụng được những điều kiện tự có của gia đình để phát triển sinh kế. Bên cạnh đó, chị cũng hướng dẫn cho chị chi hội trưởng về cách thức tổ chức sinh hoạt Hội như thế nào để thu hút được sự quan tâm, tham gia của chị em trong thôn.
“Nhiều chị em tâm sự, từ xưa đến nay, bản thân hoặc con cái ốm thì không có ai hỏi han, hỗ trợ. Nhưng từ khi mình hướng dẫn chị chi hội trưởng biết cách tổ chức các hoạt động sẻ chia, tuyên truyền, vận động thì mọi người cảm nhận được ý nghĩa cũng như niềm vui khi tham gia Hội. Dần dà, những việc làm nhỏ như giúp đỡ nhau ngày công đi vun ngô, hỗ trợ gà giống, thăm hỏi ốm đau… đã trở thành sợi dây gắn kết, giúp tạo dựng lòng tin để các chị em phụ nữ tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội phụ nữ”, chị Xuân nói.
Không chỉ dừng lại ở vận động đối tượng phụ nữ tham gia sinh hoạt tại tổ chức Hội, trong quá trình công tác, chị Xuân còn tích cực vận động đối tượng nam giới trở thành hội viên danh dự của Hội. Theo chị Xuân, trong thực tế, nam giới đã có nhiều đóng góp và ủng hộ tích cực cho các chị em phụ nữ vì vậy, công tác vận động nam giới tham gia Hội LHPN sẽ góp phần tích cực trong thực hiện bình đẳng giới tại địa phương.
Tháng 7/2023, sau thời gian nắm bắt tư tưởng kết hợp với nhiều hình thức vận động, chị Xuân đã góp phần kết nạp được 22 nam giới là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ công chức xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ các thôn ở xã Giáo Hiệu, huyện Pắc Nặm đăng ký trở thành hội viên danh dự đầu tiên của Hội. Tính đến nay, đã có hơn 300 hội viên danh dự là nam giới trên toàn tỉnh.
Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Hội LHPN xã Giáo Hiệu huyện Pác Nặm tổ chức kết nạp 22 hội viên danh dự là nam giới.
Bằng những việc làm giản đơn nhưng hiệu quả thiết thực, chị Xuân trở thành người cán bộ Hội gần gũi, đáng tin cậy, được chị em hội viên, phụ nữ tin yêu và mến phục.
Với những đóng góp của mình, chị Xuân đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2021, 2022, 2023; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm 2021, 2022, 2023 và được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2024.
Giải thưởng Nguyễn Thị Định là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành tặng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chuyên trách các cấp có thành tích đặc biệt xuất sắc nhằm biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cán bộ Hội chuyên trách, động viên chị em tiếp tục cống hiến, đóng góp cho phong trào phụ nữ và công tác Hội. Giải thưởng mang tên Nguyễn Thị Định - nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế. Giải thưởng được xét tặng hai lần trong một nhiệm kỳ. Giải thưởng lần thứ nhất, năm 2024 được trao cho 30 cán bộ Hội, trong đó có 17 chị ở cấp tỉnh, 10 chị ở cấp huyện và ba chị ở cấp cơ sở. |