Cửa tiệm đặc biệt "sản xuất" nụ cười cho những mảnh đời kém may mắn
Mô hình cửa tiệm tái chế của hội người khuyết tật
"Hôm nay dẫu có gian nan, thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn - Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi".
Đúng như ca từ của ca khúc "Sống như những đóa hoa", những nhân viên tại Cửa tiệm Hạnh phúc cũng đang ngày ngày cùng nhau trao nhau nghị lực để bước tiếp chặng đường cuộc sống còn nhiều gian nan phía trước. Đó là một cửa tiệm nhỏ xinh, nằm khiêm tốn trong góc phố nhỏ tại phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, Quảng Nam.
Cửa tiệm Hạnh phúc khởi đầu từ một vòng tròn chia sẻ (Women's Circle), nơi các chị em khuyết tật, người yếu thế tại phường Cẩm Nam, thành phố Hội An cùng chia sẻ những câu chuyện, khó khăn trong cuộc sống
Những mảnh đời bất hạnh, khuyết tật tại đây đến từ các gia đình khác nhau, nhưng từ lâu họ đã thân thuộc như người nhà, là chỗ dựa tinh thần, động viên nhau cùng vươn lên. Từ chỗ tâm sự những câu chuyện đời, họ đau đáu mong muốn cùng tìm một công việc để có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt phí thường ngày.
Là người khuyết tật, gặp phải khó khăn trong việc di chuyển, vận động hoặc sức khoẻ kém, không có công việc ổn định, do đó, họ cũng mang nhiều mặc cảm và không đủ điều kiện để có thể tìm được cho mình một công việc ổn định.
Xuất phát từ đây, cách đây gần 1 năm, Cửa tiệm Hạnh phúc - Mô hình kinh doanh tái chế do CLB Vì môi trường Hội An S.E.A Club và Hội LHPN phường Cẩm Nam quản lý ra đời, với nhân sự chính là nhóm các chị em phụ nữ yếu thế, người khuyết tật tại địa phương.
Với phương châm "Hãy bắt đầu từ nơi bạn đứng. Dùng những gì bạn có trong tay. Làm điều bạn có thể" (câu nói của Arthur Ashe) - cửa tiệm vận hành theo nguyên tắc: Bắt đầu bằng những gì bạn đang có.
Cửa tiệm Hạnh phúc của những người khuyết tật tại Cẩm Nam, Hội An vận hành theo nguyên tắc: Bắt đầu bằng những gì bạn đang có
Mục tiêu của Cửa tiệm Hạnh phúc là tái chế nguồn tài nguyên rác thải nhựa và vải thừa, biến chúng trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng và thẩm mĩ cao, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Song song đó, việc làm tái chế còn giúp mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên của tiệm.
Tại thành phố Hội An, ngành may mặc phát triển đi đôi với du lịch. Du khách tìm đến các hiệu may lớn nhỏ để may trang phục, váy áo, loại hình may lấy nhanh trong ngày tại Hội An cực kỳ phát triển.
Hằng ngày, lượng vải thừa thải ra rất nhiều. Các sự kiện, tiệc sinh nhật, quảng cáo,… cũng thải ra rất nhiều banner quảng cáo...
Cửa tiệm đã tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào, sẵn có này để tăng vòng đời cho chúng, tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng để bán và tạo ra thu nhập.
Đi lên từ khó khăn
Cửa tiệm Hạnh phúc xác định là một mô hình kinh doanh, nơi quyền lợi của các thành viên đi đôi với trách nhiệm. Kinh doanh tái chế là mô hình không mới nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố để thành công, nhất là với người yếu thế.
Bước đầu triển khai, tiệm gặp phải rất nhiều thách thức: Không có vốn khởi điểm, cơ sở vật chất thiếu thốn, máy móc, trang thiết bị không đủ, tay nghề của các "nhân công" khuyết tật chưa thạo.
Ngoài ra còn là vô vàn những nỗi lo lớn hơn như đầu ra của sản phẩm, định hướng phát triển, những hạn chế về sức khỏe của các thành viên...
Một "nhân viên" ký cam kết làm việc tại Cửa tiệm Hạnh phúc
Các thành viên của tiệm luôn tràn đầy lòng quyết tâm, nghị lực phi thường. Họ không quẩn quanh trong khiếm khuyết, thiếu thốn của mình, bởi như vậy sẽ rất dễ nản lòng. Các thành viên Cửa tiệm Hạnh phúc luôn động viên nhau quyết tâm đi lên cùng mô hình.
Họ cùng nhau luyện tập để tay nghề nhanh tiến bộ, người biết chỉ lại cho người không biết, cùng thử các mẫu mã sản phẩm mới, có chị còn đem mẫu về nhà luyện thêm.
Lịch làm việc được nhóm quản lý phân chia phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng thành viên, nỗ lực giới thiệu các sản phẩm để tìm đầu ra, tổ chức các hoạt động chia sẻ, giao lưu để giữ vững tin thần của mọi người.
Một nhân viên tại tiệm cắt vải bằng chân cực điêu luyện
Các đoàn thể và cộng đồng địa phương cũng nỗ lực để chung tay hỗ trợ mô hình. Trong đó, Hội LHPN phường Cẩm Nam đóng vai trò rất lớn.
Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm Nam cho biết: "Các Hội viên phụ nữ tại phường vô cùng nhiệt tình và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động như hỗ trợ dọn dẹp, trang trí không gian làm việc, thu gom nguyên liệu và tích cực tham gia quảng bá sản phẩm của Cửa tiệm hạnh phúc".
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Cửa tiệm Hạnh phúc đang dần định hình và hướng đến sự phát triển.
Thay đổi số phận những mảnh đời kém may mắn
Với các thành viên của Cửa tiệm Hạnh phúc, cuộc sống của họ đã trở nên tươi sáng, ý nghĩa hơn rất nhiều từ khi tiệm ra đời. Đúng như tên gọi của cửa tiệm - Mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.
Tính đến nay, Cửa tiệm Hạnh phúc đã dần đi vào hoạt động ổn định và tạo thu nhập cho hơn 10 chị em phụ nữ khó khăn, khuyết tật không chỉ đến từ Hội An mà còn từ những địa phương khác. Trong đó, có các thành viên là nhân viên toàn thời gian và một số là nhân viên bán thời gian.
Thông thường, các sản phẩm sẽ được sản xuất theo đơn đặt hàng. 100% lợi nhuận từ các đơn hàng sẽ được chia đều cho các thành viên của tiệm.
Số lượng đơn hàng tương đối đều đặn, từ đó các thành viên của tiệm có thêm một khoản thu nhập để trang trải và cải thiện đời sống hàng ngày. Tất cả các sản phẩm đều được làm từ vải thừa, nguyên liệu tái sử dụng.
Đến nay, Cửa tiệm Hạnh phúc sản xuất được gần 2000 sản phẩm. Hơn 600 kg vải thừa và 200kg banner nhựa, túi nilon đã được tái chế thành các sản phẩm hữu ích thay vì bị vứt bỏ ngoài bãi rác.
Ngoài ra, đời sống tinh thần của các thành viên cũng được cải thiện. Cửa tiệm thường xuyên có các buổi gặp gỡ, giao lưu, tham quan để mọi người giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan tích cực.
Khách tham quan thích thú với bộ trò chơi Ô ăn quan tại một buổi giới thiệu sản phẩm của Cửa tiệm Hạnh phúc
Em Hồ Phương Diệu (sinh năm 2001), một "nhân viên" đặc biệt của tiệm, không may mắc phải căn bệnh bại não bẩm sinh chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui và may mắn vì có cơ hội làm việc tại Cửa Tiệm Hạnh phúc. Từ khi đến với tiệm, em thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, bản thân cũng trở nên vui vẻ, lạc quan hơn.
Nhờ cửa tiệm mà em đã và đang cảm thấy mình cũng là một người có ích cho xã hội. Căn bệnh bại não bẩm sinh khiến mọi thứ trong cuộc sống của em đều khó khăn, mọi sinh hoạt hằng ngày, với mọi người là việc bình thường, nhưng với em cũng cần rất nhiều nỗ lực.
Em từng có lúc tuyệt vọng, nghĩ mình là người thừa, vô dụng... Nhưng Cửa tiệm đã giúp em thay đổi hoàn toàn suy nghĩ"
Với Ngô Thị Kim Thương (sinh năm 1998), hành trình tìm kiếm việc làm của cô vô cùng khó khăn khi cô mang một cơ thể khiếm khuyết: "Có những đêm mình nằm khóc một mình trong phòng vì bế tắc. Mình từng được người quen giới thiệu và xin vào một chỗ làm, nhưng ở đó, mình cảm thấy không thuộc về, bởi có quá nhiều sự phân biệt đối xử, kỳ thị... chỉ vì mình là người khuyết tật.
Sau này, mình biết đến Cửa tiệm Hạnh phúc và xin gia nhập. Ở đây, các chị em, các cô chú như thể một gia đình. Mình cảm nhận được sự hòa đồng và vui vẻ của mọi người.
Cửa tiệm Hạnh phúc là nơi không chỉ là tạo công ăn việc làm, mà còn mang đến nhiều tiếng cười và có thể chữa lành những tổn thương trong lòng mình. Mình xem nơi này là ngôi nhà thứ hai, rất mong sẽ được gắn bó lâu dài".