Hà Giang: Gương phụ nữ dân tộc Dao làm kinh tế giỏi

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc hộ nghèo của Tiên Kiều, chị Trâm luôn mong muốn tìm hướng thoát nghèo nhưng để thoát nghèo cần phải có nguồn vốn đầu tư ban đầu để phát triển kinh tế, trong khi gia đình chị lại thuộc diện hộ nghèo của xã. Đó là một thách thức lớn đối với chị.
Gia đình chị Trâm chỉ có nguồn đất đồi rộng trên 1,5 ha, chị hiểu mình cần phải bám vào đất để phát triển kinh tế. Năm 2013 thông qua Hội LHPN xã Tiên Kiều bảo lãnh, chị được vay 100 triệu đồng của ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Quang để đầu tư trồng cam sành và phát triển chăn nuôi. Chị làm chuồng trại, mua 1.200 cành cam giống, 02 lợn lái sinh sản, 6 con lợn giống thương phẩm và 40 con gà giống về nuôi.
Để có kiến thức, chị Trâm tích cực tham gia học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cam sành, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm qua các tài liệu kỹ thuật kỹ thuật; đồng thời chịu khó tham khảo kinh nghiệm của các hộ làm kinh tế thành công trên địa bàn. Chính nhờ sự chăm chỉ và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cam sành và đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị Trâm phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Chỉ trong 3 năm từ năm 2014 đến năm 2016, tiền bán lợn và gà đã đủ để chị Trâm đã trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, mua thêm 2 con trâu.
Để gia súc, gia cầm lớn nhanh và không bị dịch bệnh, chị Trâm rất kỹ trong việc chọn giống, bên cạnh đó là yếu tố thức ăn và công tác tiêm phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh và che chắn giữ ấm chuồng trại vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Ngoài phát triển chăn nuôi và trồng cam sành, gia đình chị Trâm còn trồng gần 0,8 ha lúa, gần 1,0 ha ngô. Nguồn lương thực thu được từ trồng trọt được gia đình chị Trâm dùng cho sinh hoạt gia đình và phục vụ phát triển chăn nuôi.
Chị Trâm cho biết: Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình chị xuất bán lợn, gà được từ 2- 3 đợt cộng với 1- 2 con trâu, đồng thời tiếp tục mua thêm giống về nuôi bổ sung. Tổng thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm vào khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn khoảng 250 triệu đồng. Riêng vườn cam sành, mỗi năm thu nhập bình quân từ 800 - 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 650 triệu đồng.
Lãnh đạo xã Tiên Kiều nhận xét: Gia đình chị Đặng Thị Trâm là hộ gia đình dân tộc Dao điển hình của xã trong quá trình vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu từ trồng cam sành và phát triển chăn nuôi tổng hợp.