Lào Cai: Phụ nữ dân tộc Mông phát triển kinh tế, làm giàu với mô hình trồng cây dược liệu

05/12/2022
Ngược ngàn lên thăm vùng cao Tả Văn Chư (Bắc Hà, Lào Cai) những ngày này chứng kiến những đổi mới đang diễn ra với những thôn bản trù phú, những ngôi nhà xây cao tầng, nhà cấp 4 khang trang, những nương đồi phủ xanh bởi cây trái, dược liệu sạch… Sự chuyển biến trong sản xuất và đời sống nơi đây có đóng góp không nhỏ của phụ nữ dân tộc Mông thông qua những việc làm thiết thực, cụ thể từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đường về bản vùng cao Tả Văn Chư mùa hoa mận Tả Van, hoa lê nở…

Chuyển biến mới ở chi hội phụ nữ điển hình

Chi hội phụ nữ thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư là điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Bắc Hà. Thôn Lả Gì Thàng có 53 hộ đồng bào Mông, với gần 300 khẩu, chi hội phụ nữ có 50 hội viên phụ nữ dân tộc Mông. Những năm gần đây, nhờ có sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của Hội Phụ nữ, thay vì vất vả đi xa làm thuê, chị em đã gắn bó với nương ruộng, quyết tâm vượt khó vươn lên từ nghề nông, phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu và cây ăn quả.

Năm 2021, đã có 50 hộ gia đình phụ nữ trong thôn tham gia trồng mô hình trồng cây dược liệu, trồng được gần 40/65 ha cây dược liệu cát cánh của toàn xã và 02 ha cây đương quy, cho về nguồn thu trên 6 tỷ đồng. Điển hình là gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh, chi hội trưởng phụ nữ thôn Lả Gì Thàng, đã có 4 năm liên tiếp tham gia dự án trồng cây dược liệu. Năm 2021, gia đình chị thu lãi được 120 triệu đồng. Vụ đông xuân 2021- 2022, gia đình chị Linh mạnh dạn trồng gần 1 ha cây cát cánh và cây dược liệu đương quy, hiện chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch củ cát cánh. Chị Tráng Thị Ngọc Linh chia sẻ; "Mình là đảng viên, là chi hội trưởng phụ nữ, muốn chị em nghe theo thì mình phải gương mẫu đi đầu, làm trước. Qua 4 vụ trồng thành công, mình rút ra kinh nghiệm là quá trình trồng cây dược liệu phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, dần dần có kiến thức, kinh nghiệm thì mình sẽ tự làm được. Trồng dược liệu đòi hỏi đầu tư công lao động, chăm bón hơn trồng ngô lúa song thu lãi gấp nhiều lần.  Với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ, mình đã tham mưu và cùng các đồng chí cấp ủy chính quyền thôn vận động các hộ phụ nữ, nông dân trong thôn tham gia mô hình trồng dược liệutin tưởng đây sẽ là mô hình làm kinh tế hiệu quả, đem lại nguồn thu tốt cho gia đình hội viên phụ nữ và đồng bào Mông địa phương...."

Chị Sùng Thị Súng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Văn Chư chia sẻ, hiện nay, tất cả các hộ phụ nữ trong thôn Lả Gì Thàng đều tham gia trồng cây dược liệu. Xã Tả Văn Chư đã được Trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện lựa chọn là vùng trọng điểm sản xuất giống cung ứng cho toàn huyện. Hướng phát triển kinh tế này rất tốt, chị em yên tâm ở nhà lao động với thu nhập cao, không phải đi lao động xa nữa

Được biết, các hộ trên địa bàn xã Tả Văn Chư đã nhận đủ tiền thu hoạch, bán sản phẩm 65 ha cây dược liệu đương quy và cát cánh của năm 2021 với số tiền trên 9 tỷ đồng. Hiện nay nhân dân đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch củ cát cánh năm 2022

Chị Linh cho biết thêm: "Hiện nay, bà con trong thôn đã có điều kiện làm đường liên gia ngõ xóm, đường nội đồng thuận tiện cho sản xuất, bên cạnh phát triển cây trồng mới, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", chi hội phụ nữ còn vận động các gia đình hội viên duy trì các vườn, đồi chè chất lượng đã trồng lâu năm, đặc biệt cải tạo, trồng mới cây mận tả van, cây lê là những cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao. Tập trung làm chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn, gà, trồng cỏ nuôi trâu vỗ béo…".

Phát triển cây ăn quả đặc sản mận Tả van và cây dược liệu đã và đang giúp nâng cao đời sống gia đình hội viên phụ nữ dân tộc Mông Tả Văn Chư

Giúp phụ nữ Mông vươn lên…

Hội Phụ nữ xã Tả Văn Chư hiện có 499 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội. Thời gian qua, Hội  đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương. Chị Sùng Thị Súng, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: "Hội đã tích cực vận động chị em chú trọng  phát triển kinh tế gia đình với các hình thức như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi trâu vỗ béo, lợn đen, gà chạy bộ đặc sản địa phương; phát triển và mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế từ vùng trọng điểm nguyên liệu sản xuất giống của Bắc hà với 2 loại cây chủ lực cây dược liệu đương quy và cát cánh, phát triển vườn cây ăn quả mận tả van, lê tai nung đặc sản gắn với mô hình nhà sạch vườn đẹp;  hỗ trợ giống, vốn, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, giúp đỡ nhau bằng ngày công lao động, cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn nhằm tạo điều kiện phù hợp để chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống".

Đặc biệt Hội Phụ nữ xã Tả Văn Chư đã và đang chú trọng triển khai mô hình "cả chi hội giúp một hội viên nghèo có địa chỉ". Đến nay, có 9/9 chi hội phụ nữ đã nhận giúp 09 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo thông qua việc hướng dẫn cách làm ăn sản xuất, giúp trên 200 ngày công lao động, 50 kg giống ngô, lúa  lai để trồng cấy…

Cùng với đó, thông qua 2 tổ tín dụng vay vốn, Hội đứng ra nhận ủy thác tín chấp cho hội viên vay hàng tỷ đồng vốn ngân hàng chính sách xã hội và vốn ngân hàng nông nghiệp, đã tạo điều kiện cho gia đình hội viên phụ nữ, đặc biệt là hộ nghèo có điều kiện đầu tư  phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh phát triển cây trồng mới, cây dược liệu đương quy và cát cánh hiệu quả. Còn tập trung phát triển cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới. Đã hình thành vùng cây ăn quả tổng diện tích 168ha. Trong đó chủ yếu là mận địa phương như cây mận Tả Van ,Tả Hoàng Ly, mận Hậu, Lê tai nung, lê địa phương, đặc biệt hình thành vùng chuyên canh mận tả van đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ những chính sách ưu đãi, sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà số hộ nghèo, đặc biệt số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm qua các năm. Trên địa bàn xã đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Sùng Seo Vảng, bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư phấn khởi cho biết: "Phụ nữ dân tộc Mông Tả Văn Chư vốn cần cù, chăm chỉ, là trụ cột trong gia đình, trong sản xuất nông nghiệp. Trước chị em chỉ quen với con trâu, cái cày, lưỡi liềm, tra hạt, sản xuất tự cung, tự cấp. Nay  chị em tiên phong gương mẫu đi đầu trên mặt trận sản xuất, đã biết sử dụng máy móc trong sản xuất từ thái cỏ, tẽ ngô, cày bừa, đặc biệt đã thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, biết cách trồng, chăm sóc cây mận tả van, cây dược liệu theo công nghệ cao đem lại hiệu quả”.

Thành công bước đầu  trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng,  phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của hội viên phụ nữ Mông ở Tả Văn Chư đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp bền vững khi vào mùa hoa mận, lê nở. Những nương đồi, cánh đồng trồng mận nở hoa trắng rộ hòa lẫn mây mù sương khói trắng rẻo cao Tả Văn Chư đã và đang thu hút bao nghệ sỹ, nhiếp ảnh, khách du lịch đến với vùng cao Tả Văn Chư hay vào mùa hạ khi những cánh đồng hoa cát cánh tím biếc nở rộ... Tả Văn Chư vốn hùng vĩ, nên thơ, lãng mạn nay được tô điểm thêm bởi những gam màu tươi sáng từ bàn tay lao động của những người nông dân, phụ nữ Mông gợi mở cho địa phương cơ hội phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn vùng cao… tạo công ăn việc làm cho phụ nữ và lao động nông thôn.

Những việc làm cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội LHPN xã Tả Văn Chư trong phong trào phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em hội viên phụ nữ dân tộc Mông thay đổi tư duy, cách làm, tiếp cận với phương thức sản sản xuất mới, áp dụng công nghệ cao, mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, vệ sinh môi trường xanh, góp phần giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng nông thôn mới vùng cao Tả Văn Chư.

Tráng Xuân Cường

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video