Nâng cao vai trò của già làng và "Hội đồng già làng" để giải quyết vấn đề của phụ nữ, trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số
Ngày 6/9, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo".
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; các đại biểu đến từ Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, các đại diện đến từ Hội LHPN, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc các tỉnh và một số trường đại học khu vực miền Trung, các ban, ngành cấp tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các nhà khoa học.
Nội dung thảo luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề như: tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà cao; hủ tục trong phòng, chữa bệnh; sức khỏe tinh thần ở phụ nữ, trẻ em (trầm cảm, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ và trẻ em có xu hướng tăng); tiếp cận cơ sở vật chất thiết yếu hạn chế (dịch vụ khám chữa bệnh, nước sạch); tảo hôn, hôn nhân cận huyết; thách cưới, tục cướp vợ; bạo lực với phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Những vấn đề đặt ra với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số
PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, Trường Đại học Khoa học Huế thông tin, các DTTS ở miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đa phần đều sống trong điều kiện núi rừng khắc nghiệt, đường giao thông chậm phát triển, nên trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp.
Theo đó, đói nghèo, lạc hậu, hủ tục đối với các DTTS nơi đây là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em - thuộc nhóm yếu thế lại càng chịu nhiều hủ tục trong xã hội tác động, chất lượng cuộc sống thấp, khả năng tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lợi xã hội văn minh, hiện đại hạn chế.
Những tác động tiêu cực đó đang là những nhân tố tồn tại nhiều vấn nạn đối với phụ nữ và trẻ em, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi nơi đây. Những vấn nạn, thách thức, vấn đề còn tồn tại đối với phụ nữ và trẻ em các DTTS tại 3 tỉnh này như: bất bình đẳng giới; hiểu biết về giới sinh, sinh sản vị thành niên còn hạn chế; vấn nạn tảo hôn và đặc biệt là vấn nạn hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn tới thực trạng về những vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc Chứt, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên là do trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế; công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương hiệu quả chưa cao; chất lượng cuộc sống thấp; sự can thiệp của chính quyền về vấn nạn đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa thực sự quyết liệt.
Cần nâng cao vai trò của già làng và "Hội đồng già làng"
Để khắc phục những vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em, ông Mạnh cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của già làng và "Hội đồng già làng" trong việc quản lý luật tục hôn nhân và gia đình ở đồng bào các DTTS Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều, là một tập hợp những người già có uy tín, được mọi người trong làng kính trọng. "Hội đồng già làng" bao gồm: trưởng mu (trưởng dòng họ), chủ đất, chủ làng, và cả thầy cúng... - có vai trò tư vấn cho già làng.
Trong xã hội của người Chứt, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều luật tục hình thành với vai trò là điều kiện cân bằng, ổn định các quan hệ xã hội. Vì vậy, bằng việc nâng cao vai trò của già làng và "Hội đồng già làng", ta có thể bãi bỏ các vấn nạn đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Rõ ràng, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hôn nhân mua bán, bất bình đẳng giới,… mang đến nhiều nguy cơ cho nòi giống và nghèo đói. Nhưng để đồng bào các DTTS Chứt, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru - Vân Kiều trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nói riêng và các DTTS khác trên nhiều vùng miền của cả nước nói chung nhận thức được là việc không dễ.
Vì vậy, một phong trào tuyên truyền, giáo dục, hoạt động kiên trì, thường xuyên của toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở với sự kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ là việc không phải của riêng ai.
Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS
Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết, các câu lạc bộ cho trẻ em theo mô hình "Câu lạc bộ thủ lĩnh" tỏ rõ tác dụng thúc đẩy, bồi dưỡng sự tự tin, hiểu biết và kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là trẻ gái DTTS, vì vậy cần tăng cường thành lập các câu lạc bộ dành cho các em.
"Nên cho trẻ thay phiên nhau làm trưởng nhóm câu lạc bộ để tăng cường khả năng giao tiếp, sự tự tin và năng động. Có các hình thức khuyến khích trẻ tích cực tham gia câu lạc bộ, như được cộng điểm hạnh kiểm, được phần thưởng nếu tham gia đầy đủ và chất lượng", đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, để giải quyết các vấn đề đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS, cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu.
Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An)
Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS và miền núi; nâng cao công tác giám sát phản biện xã hội đối với các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, khẳng định, những đóng góp ý kiến của các đại biểu tại hội thảo ngày hôm nay sẽ là nguồn tài liệu quý giá để các ban, đơn vị của Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên tham khảo để tổ chức các hoạt động đảm bảo hiệu quả, đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị Học viện Phụ nữ Việt Nam tổng hợp tất cả các ý kiến của các đại biểu tại cuộc hội thảo gửi về cho đầu mối thực hiện Dự án 8 là Ban dân tộc Tôn giáo (Hội LHPN Việt Nam) để Ban dân tộc Tôn giáo tham mưu cho Ban chỉ đạo Dự án 8, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi thực hiện dự án.
Đối với các cấp hội LHPN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo cần bám sát các vấn đề phụ nữ, trẻ em trên địa bàn, có vấn đề gì thì tìm hiểu rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp để triển khai các nhiệm vụ, dự án có chất lượng.