Quảng Ngãi: Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục

Trang bị kiến thức cho học sinh
Tại Trường THCS Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), buổi tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh được tổ chức diễn ra trong bầu không khí vui tươi và thân thiện với sự tham gia nhiệt tình của hơn 600 em học sinh, giáo viên của trường. Nội dung tuyên truyền về thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng, sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ; cách phòng tránh bị xâm hại tình dục và một số kĩ năng cho các em học sinh. Sự cởi mở thân thiện của các thầy cô đã làm cho các em mạnh dạn hơn để phát biểu, trả lời câu hỏi, nêu lên những suy nghĩ và nhận xét của bản thân về tác hại của vấn đề bị xâm hại tình dục.
Em Nguyễn Thị Bích Trâm (học sinh lớp 9D, Trường THCS Tịnh Phong) chia sẻ, “Qua các buổi tuyên truyền, ngoại khóa về phòng chống, xâm hại trẻ em, chúng em đã nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, biết cách tự bảo vệ bản thân trong các tình huống đặc biệt. Chúng em trở thành tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động này, để cùng lên tiếng hành động, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại”.
Sở LĐ – TB&XH tỉnh tổ chức các buổi truyền thông cho trường học
Cô giáo Vy Thị Diệu Ngân, Giáo viên Ngữ Văn, Tâm lý học đường Trường THCS Tịnh Phong cho biết, địa bàn xã Tịnh Phong có 2 khu công nghiệp là Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi nên tập trung đông dân, chủ yếu người ngoài địa phương đến đây để thuê trọ làm việc, tình hình an ninh trật tự phức tạp. Vì vậy, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cần phải được triển khai kịp thời, giảm tối đa các tổn thương cho trẻ em bị xâm hại, cần áp dụng các giải pháp cần thiết và hành động quyết liệt của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, những trang web đen, game online, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm và sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận người lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…
Tích cực chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 314.903 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 12.292 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, gây bức xúc trong nhân dân. Mới đây nhất, dư luận bức xúc 3 nam sinh lớp 8 Trường THCS Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) đã xâm hại tình dục nữ sinh lớp 6 ngay tại khu vực nhà vệ sinh trong nhà trường. Hiện vụ việc vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ngãi điều tra làm rõ.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Để phòng, chống xâm hại trẻ em, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp thường xuyên nắm bắt, xử lý kịp thời thông tin về xâm hại trẻ em; từ đó can thiệp và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại trẻ em. Đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập 570 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lự; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn Tổ Tư vấn tâm lý trong trường học, hầu hết các trường đã công bố đường dây nóng, hộp thư góp ý để học sinh và cha mẹ kịp thời phản ảnh; Công an các cấp đã chủ động triển khai các phương pháp tuyên truyền phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, khi nhận thông tin trẻ bị xâm hại, bạo lực kịp thời vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng xâm hại để xử lý theo pháp luật...
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội LHPN tổ chức trên 200 điểm và 58.000 lượt nghìn công dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn; chia sẻ những phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; kỹ năng nhận biết, cách phòng ngừa…