Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga: "Cần đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới trong Danh mục hàng hóa bình ổn"

08/11/2022
Chiều 7/11, tiếp tục phiên làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, trong phiên thảo luận tại tổ, Ủy viên TƯ Đảng, ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đã có những góp ý liên quan đến dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Cơ bản nhất trí với các nội dung dự án Luật Giá (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, hồ sơ đã được đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, các quy định được sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành.

Thứ nhất, hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành. Thứ hai, hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Để dự án Luật được hoàn thiện, đại biểu Hà Thị Nga đóng góp thêm ý kiến liên quan đến vấn đề lồng ghép giới trong dự án Luật.

"Tôi thống nhất với báo cáo của Bộ Tài chính về việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật. Ban soạn thảo đã nghiên cứu và đảm bảo các qui định lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án Luật, đã có những phân tích, đánh giá các tác động đối với việc thực hiện chính sách", đại biểu Hà Thị Nga thể hiện sự đồng tình cao.

Cụ thể, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, các nội dung trong dự án luật cơ bản đều là những nội dung trung tính, tác động đến tất cả các đối tượng điều chỉnh của Luật, đảm bảo quyền bình đẳng của cả nam và nữ.

Ngoài ra, dự án Luật đã có những nội dung chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nữ giới trong quá trình thực hiện như vấn đề thi, cấp thẻ thẩm định viên về giá…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, cần phải bổ sung thêm vào danh mục hàng hóa bình ổn những mặt hàng đặc thù cho phụ nữ. Thực tế trong thời gian dịch Covid-19, đã có những câu chuyện dở khóc dở cười do siêu thị thiếu mặt hàng đặc thù cho phụ nữ do mặt hàng này không thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu nên không được vận chuyển.

"Vì vậy, chúng tôi đề xuất tại Khoản 2, điều 19 quy định về việc Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa bình ổn, cần nghiên cứu bổ sung: Khi lập danh mục hàng hóa bình ổn, cần đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội", đại biểu Hà Thị Nga nhấn mạnh.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video