Đem lại giá trị cho phụ nữ từ việc tham gia đổi mới sáng tạo

30/08/2024
Chiều 29/8, Hội đồng Khoa học cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học Quý III năm 2024 với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo và quyền năng kinh tế của phụ nữ Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp, trao đổi thông tin về những kiến thức cơ bản về đổi mới sáng tạo; thảo luận những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ, tổ chức Hội, từ đó, đưa ra những hàm ý can thiệp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia đổi mới sáng tạo và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quý III năm 2024 với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo và quyền năng kinh tế của phụ nữ Việt Nam”, chiều 29/8

Theo Luật Khoa học và Công nghệ (2013), Đổi mới - Sáng tạo (ĐMST) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. ĐMST thường đề cập đến tiến trình phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ gắn liền với vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực và quá trình sử dụng, tương tác, thực hiện các sáng tạo công nghệ trên thực tiễn gắn với vai trò của các doanh nghiệp và các thể chế xoay quanh sự vận hành của các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống chính sách, thể chế tài chính, kết cấu hạ tầng giáo dục, truyền thông và các điều kiện của thị trường. Bên cạnh đó, ĐMST còn bao hàm chính sách và chiến lược công nghệ nhằm định hướng và phát huy vai trò của các yếu tố trên để đạt được mục đích nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động và tối đa hóa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tham dự chương trình

Theo phân tích của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ. Các hoạt động hỗ trợ ĐMST của Hội LHPN Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ khởi sự kinh doanh là hộ gia đình chiếm đại đa số; doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, năng lực quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thích ứng với xu thế chuyển đổi số còn hạn chế... đang là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy tham gia đổi mới sáng tạo và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng cần nhìn nhận rằng, phụ nữ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tham gia ĐMST và khởi nghiệp. Cụ thể, lực lượng lao động nữ tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp; còn nhiều nhà khoa học nữ và công trình nghiên cứu khoa học của họ chưa được vinh danh; chưa kết nối được các doanh nghiệp do nữ làm chủ, phụ nữ khởi nghiệp với các đơn vị cung ứng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các dự án dự thi Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy tính ĐMST nhưng chưa được triển khai; việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề giới trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng chưa được quan tâm thỏa đáng, nhất là còn rất thiếu cơ sở dữ liệu có phân tách giới trong lĩnh vực này”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo

Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ ĐMST phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Đặc biệt, Hội đã được giao chủ trì, thực hiện một số Đề án của Chính phủ và nội dung thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, như: Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, Đề án 01 “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Dự  án 8 thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững... Qua đó, nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ ĐMST phát triển kinh doanh và khởi nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, có tác động sâu rộng đến đông đảo các doanh nghiệp/hợp tác xã do phụ nữ làm chủ nói riêng và tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói chung, như: lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện và nhân rộng thông qua Cuộc thi/Ngày Phụ nữ khởi nghiệp tại các cấp Hội phụ nữ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu lên những vấn đề chung của ĐMST cũng như những giải pháp thúc đẩy tham gia ĐMST và phát huy quyền năng kinh tế của phụ nữ Việt Nam như: (1) Cần nghiên cứu để có các chính sách đặc thù với phụ nữ trong việc tham gia đổi mới sáng tạo; (2) Không nên áp dụng chế độ về hưu trước nam giới khi phụ nữ vẫn đảm bảo sức khỏe, tài năng, trí tuệ; (3) Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất hỗ trợ phụ nữ tham gia đổi mới sang tạo; (4) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách đã và đang gây bất lợi đối với phụ nữ; (5) Phụ nữ cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để thích nghi kịp thời với những thay đổi, biết nắm giữ những cơ hội làm chủ cuộc sống; (6) Triển khai có hiệu quả các đề án hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền năng kinh tế: Đề án 939, Đề án 01, Đề án 844…

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nêu lên những vấn đề chung của ĐMST, những giải pháp thúc đẩy tham gia ĐMST và phát huy quyền năng kinh tế của phụ nữ Việt Nam

Thông qua chương trình, các đại biểu đã có những câu hỏi trao đổi sôi nổi, thảo luận những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ, tổ chức Hội; qua đó được tiếp cận với kiến thức cơ bản về ĐMST, được nghe phân tích sâu hơn về thực trạng, xu hướng ĐMST, vận dụng hiệu quả hơn trong công việc chuyên môn, đặc biệt là trong tham mưu triển khai một số Đề án của Chính phủ và nội dung thành phần thuộc các Chương trình MTQG có nội dung liên quan do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện.

 

* Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2% - đã vượt chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới (ít nhất 27% vào năm 2025). Chỉ tính riêng thông qua Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), sau gần 7 năm thực hiện đã hỗ trợ được hơn 72 ngàn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 1.470 doanh nghiệp nữ, gần 12 ngàn hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết được thành lập mới. Hơn 45 ngàn doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối tiếp cận nguồn vốn trên 400 tỷ đồng…

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video