Đi lên từ nghề làm nấm
Trở về Diên Sơn, chị lập gia đình, lăn lộn với ruộng đồng mãi nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên nổi. Từ sự tình cờ tìm hiểu nghề làm nấm, kiên trì, chịu khó học hỏi, đến nay chị Nguyệt đã có cơ ngơi vững chắc: 8 trại nấm sản xuất liên tục, mỗi năm cho hàng tấn sản phẩm…
° Từ sự khởi đầu tình cờ
Năm 1994, trong một lần đến xã Suối Hiệp (Diên Khánh) chị Nguyệt biết có nghề làm nấm. Từ đó, ý nghĩ làm nấm cứ thôi thúc chị. Chị quyết định trở lại Suối Hiệp để tìm hiểu. Tiếc thay, vì sợ cạnh tranh nên chủ cơ sở giấu nghề. Không nản lòng, chị lại đến Suối Hiệp. May thay, lúc này chủ đi vắng, những người làm công đã mách bảo chị về kỹ thuật làm nấm rơm. Thế là chị bắt đầu với nghề làm nấm. Chị nghĩ, nghề làm nấm tuy vất vả, kỹ thuật khá phức tạp nhưng phù hợp với gia đình và quê hương mình: rơm rạ nhiều, có lao động, chỉ cần chịu khó là được. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên chị đã nhiều lần thất bại. Nhưng nhờ kiên trì học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị đã tìm ra bí quyết của nghề làm nấm. Làm ra nấm đã khó, khi bán nấm còn khó hơn. Lặn lội, tìm kiếm đầu ra vất vả hết chợ này đến chợ khác, có lúc bị tư thương ép giá nhưng chị không nản lòng với nghề đã chọn.
° Đến thành công ngoài mong đợi
Nếu không có đề tài của kỹ sư Lê Thị Diệp Thảo (Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa) chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm theo công nghệ mới thì có lẽ chị Nguyệt vẫn còn làm nấm rơm theo cách cũ. Năm 2003, đề tài của kỹ sư Thảo đã tìm đúng địa chỉ để chuyển giao thông qua giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh và huyện Diên Khánh. Và chị Nguyệt - một người rất tâm đắc với nghề, có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng nấm được chọn. Đây là đề tài do Viện Di truyền chuyển giao về công nghệ làm nấm. Điều khác cơ bản của công nghệ mới so với công nghệ cũ là không đưa nguyên liệu vào túi mà chuyển bằng hình thức đóng mô. Cách làm này giảm rõ rệt công lao động so với cách làm cũ, đặc biệt là khâu vô trùng, tránh nhiễm nấm tạp được chú ý cao độ. Tuy sản lượng không cao hơn cách cũ nhưng nhờ giảm công lao động nên hiệu quả kinh tế mang lại tăng lên, người làm nấm đỡ vất vả. Quy trình sản xuất một đợt nấm rơm mất từ 20 - 25 ngày. Bình quân 400kg nguyên liệu cho sản lượng từ 25 - 30kg nấm tươi. Chị Nguyệt cho biết, bí quyết của nghề làm nấm là nguyên liệu đầu vào phải tốt (rơm vàng khô, không mục nát), meo giống tốt, không tạp, môi trường phải phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, không khí. Cùng với chuyển giao công nghệ làm nấm rơm, bây giờ chị Nguyệt còn biết làm nấm sò, mộc nhĩ, linh chi và có thể nhân giống cấp 3 các loại nấm đó. Hiện nay, do điều kiện gia đình, chị Nguyệt chỉ sản xuất hai loại nấm sò và nấm rơm. Để sản xuất các loại nấm trên, gia đình chị đã phải đầu tư một nồi hấp xử lý giống trị giá 4 triệu đồng, xây lò áp lực xử lý nguyên liệu hơn 4 triệu đồng và nhiều công cụ phục vụ nghề làm nấm khác như: ẩm kế, nhiệt kế… Đến nay, sau hơn 10 năm chí thú với nghề, gia đình chị đã xây dựng được 8 trại nấm, diện tích mỗi trại 30m2, sản xuất liên tục trong năm. Cùng với canh tác 2 sào đất lúa 2 vụ, 3 sào đất màu và nuôi hai con bò, mỗi năm gia đình chị Nguyệt thu nhập trên dưới 60 triệu đồng.
Không giấu nghề, chị sẵn sàng giúp đỡ những ai có nhu cầu làm nấm. Vừa qua, đoàn chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở Diên Khánh đến tham quan mô hình của chị có đặt vấn đề chuyển giao kỹ thuật làm nấm cho nông dân, chị cho biết sẽ hết lòng ủng hộ. Là người ham học hỏi, chị Nguyệt vẫn còn day dứt bởi hiện nay việc phân lập giống gốc từ Viện Di truyền học chưa được chuyển giao cho Khánh Hòa, khiến việc tạo giống cung cấp cho nông dân gặp khó khăn. Ngoài ra, đầu ra cho sản phẩm và vốn cũng là vấn đề nan giải đối với chị; vì hiện nay chị vẫn phải đưa nấm ra chợ bán, có lúc bị ép giá, còn vốn vay tín chấp thông qua Hội Phụ nữ xã.
Với nỗ lực của gia đình và nhờ đức tính chịu khó, ham học hỏi, chị Nguyệt đã thành công trong nghề làm nấm, là người đầu tiên ở Diên Khánh sản xuất nấm theo công nghệ hiện đại. Chị vinh dự được chọn đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc do Hội Nông dân Việt