“Vườn rau gia đình” ở một xã miền núi của tỉnh Quảng Nam
Đến nay, đã có 347 “Vườn rau gia đình” hoạt động hiệu quả, trong đó tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Bảo Trâm - ở thôn 2, xã Tiên. Vườn rau vừa giúp gia đình chị Trâm có rau an toàn phục vụ cuộc sống, tiết kiệm chi tiêu, vừa bán để có thêm thu nhập.
Chị Trâm cho biết, trước đây, gia đình chị thường có thói quen hái rau rừng hoặc mua rau từ chợ truyền thống. Khi Hội LHPN tuyên truyền và phát động mô hình “Vườn rau gia đình”, chị Trâm nhận thức được tầm quan quan trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khoẻ nên quyết định cải tạo đất vườn, tập trung trồng rau an toàn, cải thiện bữa ăn. Ban đầu, chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình nhưng thấy thị trường có nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng nhiều nên chị Trâm mở rộng diện tích trồng để cung ứng cho các hộ dân trong và ngoài xã và cho các trường mẫu giáo bán trú trên địa bàn. Các loại rau như: rau muống, rau lang, cải, mồng tơi, quế, tía tô, húng, rau má, các loại bầu, bí… được trồng trên 4 sào đất; mỗi loại rau bán trên thị trường dao động từ 20.000 đồng- 35.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày bán từ 15- 17 kg với số tiền từ 300.000 đồng- 500.000 đồng/ngày; thu nhập trung bình từ 60- 70 triệu đồng/năm.
Trong quá trình sản xuất, gia đình chị tuyệt đối tuân thủ hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, nước tưới cũng dùng nước sạch. Quy trình trồng rau đảm bảo các bước theo kỹ thuật như cuốc đất, lên luống phơi ải, bón lót phân vi sinh, phân chuồng được tận dụng từ chăn nuôi gia đình, rồi gieo hạt hoặc cấy tùy loại, có nhà lưới để che nắng.
Chị Trâm chia sẻ: “Để có rau an toàn đến tay người tiêu dùng thì người trồng phải đầu tư, chăm chút tỉ mỉ từng khâu trong quy trình canh tác. Nếu có sâu rầy với số lượng ít thì dùng cách khò lửa để diệt; trường hợp sâu rầy xuất hiện toàn vườn thì phải xử lý bằng vôi bột; nếu vườn rau bị các loại nấm gây hại thì xử lý bằng men. Đây là một trong những biện pháp an toàn nhất của trồng rau mà gia đình tôi đã làm”. Không chỉ gia đình chị Trâm mà các thành viên trong mô hình đều tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn.
Với hướng đi đó, rau nhà chị Trâm và các hộ gia đình khác tham gia mô hình Vườn rau an toàn bước đầu đã tạo được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ và tìm được chỗ đứng trên thị trường, được thu mua ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Việc sản xuất rau an toàn không chỉ cung cấp cho người dùng sản phẩm sạch mà còn bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất trực tiếp trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ môi trường dần được người tiêu dùng ủng hộ, có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.
Mô hình “Vườn rau gia đình” hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của địa phương, đây cũng là một trong những chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả trên địa bàn, phát huy nội lực của người dân là chính, định hướng phát triển mô hình mục đích đưa người nông dân từ sản xuất theo truyền thống, thu nhập bấp bênh sang chuyên nghiệp hơn, giúp họ làm giàu một cách bền vững, bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng.