Bình Định: Những phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên làm kinh tế

27/06/2024
Với nhiều người khuyết tật, để tự nuôi sống bản thân đã không chỉ tự đứng trên sức lực của mình mà còn vượt khó làm kinh tế. Bằng ý chí và nghị lực, thời gian qua trên địa bàn đã có nhiều điển hình tiêu biểu không chỉ nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, mà còn mạnh dạn khởi nghiệp phát triển kinh tế góp phần tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Diễm bị khuyết tật ở lưng (gù) được biểu dương khen thưởng

Gặp gỡ các điển hình phụ nữ khuyết tật tham gia Giao lưu “Tỏa sáng vầng trăng khuyết” do Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức mới thấy được nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống của những phụ nữ tuy bị khiếm khuyết về thể chất nhưng các chị đã vượt qua mặc cảm, tự ti, mạnh mẽ vươn lên khẳng định mình. Theo lời chị Võ Thị Diễm, sinh năm 1982, ở khu vực 9 phường Nhơn Bình tâm sự, bị khuyết tật ở lưng đã mang không ít trở ngại khó khăn cho chị trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp. Bản thân chị bị tật gù lưng từ khi sinh ra nên bản thân rất mặc cảm và tự ti với bạn bè cùng trang lứa. Năm 2010, chị Diễm kết hôn, chồng cũng là người khuyết tật, bị khiếm thị 2 mắt và mất một tay trái, sinh hai đứa con gái, nên cuộc sống rất nhiều khó khăn. Chị luôn trăn trở và suy nghĩ tìm hướng làm ăn giúp cho gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống để nuôi con ăn học.

Năm 2023, chị đã mạnh dạn đầu tư thành lập cơ sở gia công đan mây xuất khẩu tại nhà. Được Hội LHPN phường giúp đỡ chị mạnh dạn vay một số vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Định, nhằm trang bị một số máy móc phục vụ cho nghề đan mây. Với tư duy phát triển theo hướng lâu dài, chị đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc, liên hệ với các công ty và nhận hàng trực tiếp về làm, đồng thời vận động các chị em trên địa bàn đến học việc và làm gia công đan mây xuất khẩu. Hiện nay cơ sở duy trì 20 công nhân tham gia với mức lương bình quân từ 3.5 – 4 triệu đồng/ tháng, qua đó giúp cho chị em trong khu vực có công ăn việc làm ổn định, nhờ đó mà chất lượng đầu ra của sản phẩm tốt, đảm bảo đạt yêu cầu, tạo dược uy tín cho cơ sở.

Nguyễn Thị Hiền bị khuyết tật ở chân làm nghề may ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý

Bên cạnh đó, trường hợp chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Lý Hưng xã Nhơn Lý, sinh năm 1988 do khuyết tật đôi chân nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, học hết lớp 9, chị phải nghỉ học, nhưng chị đã tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Bị khuyết tật ở chân nhưng chị vẫn nỗ lực cố gắng đi học nghề và tự tìm cho mình một cái nghề để mưu sinh phù hợp với sức khỏe đó là Nghề may. Sau khi học xong nghề may, chưa tự tin mở tiệm, bản thân chị cũng đi may gia công cho tư nhân mỗi tháng nhận được từ 2 - 3 triệu/tháng. Làm công được 7 năm, đến năm 26 tuổi, chị lấy chồng và có ít vốn mua thêm 1 máy may và máy vắt sổ về may gia dịch vụ cho người dân trong xã kiếm thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra còn hỗ trợ đào tạo cho 1 lao động nữ và có thêm thu nhập hàng tháng từ 4 triệu trở lên.

Đối với hoàn cảnh của Đoàn Thị Quỳnh Phương sinh năm 2002, ở thôn Lý Hoà, xã Nhơn Lý mới thấy được sự nỗ lực vươn lên của người khuyết tật bẩm sinh vừa câm, vừa bị điếc. Sự khó khăn trong sự hòa nhập với cộng đồng là rào cản lớn đối với Quỳnh Phương. Không để bạn bè và người thân chê bai, Quỳnh Phương đã nỗ lực xin mẹ cho đi học chữ nổi để giao tiếp với xã hội. Sau khi đi học chữ tại Trường chuyên biệt Hy vọng ở Quy Nhơn, Quỳnh Phương đã giao tiếp được với xã hội, cộng đồng và bạn bè bằng cách ra ký hiệu cho mọi người và ý thức được mọi việc cũng như tiếp tục khẳng định mình. Năm 2020, Phương đã xin ba mẹ cho đi học nghề làm nail để có cơ hội tự kiếm sống cho bản thân và có cơ hội giao tiếp với mọi người. Học nghề được 2 năm, ban đầu Phương thấy chán nản vì khó khăn trong vấn đề giao tiếp, nhưng vì không muốn đem lại gánh nặng cho gia đình và xã hội, tuổi đời lại còn trẻ đã thôi thúc Quỳnh Phương lại cố gắng vươn lên và nỗ lực học nghề để có cái nghề như bao chị em phụ nữ khác không phải dựa dẫm bất kỳ ai. Sau thời gian học nghề, Quỳnh Phương đã xin đi làm công cho tiệm làm tóc và nail ở trong xã, mỗi tháng kiếm được trên 3 triệu đồng, thấy được công việc mình học làm hàng tháng cũng tương đối ổn định, Quỳnh Phương cùng sự hỗ trợ của ba mẹ mở cho em tiệm làm móng tay (Nail) nhỏ trước nhà để Phương có thể làm kiếm tiền ổn định cuộc sống. Khách hàng biết được hoàn cảnh và tay nghề của Quỳnh Phương đã đến ủng hộ tiệm rất đông khách, từ đó thu nhập của Quỳnh Phương đã ổn định và có thêm thu nhập cao. Năm 2024, Quỳnh Phương cũng tìm được tình yêu đích thực và kết hôn với bạn đời cùng cảnh ngộ.

Đoàn Thị Quỳnh Phương bị câm và điếc ở Lý Hòa

Chính nhờ ý chí vươn lên vượt qua rào cản của bản thân và xã hội, các chị chính là tấm gương sáng về người phụ nữ khuyết tật vươn lên, không chỉ không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà các chị còn tự tin và làm công việc mình yêu thích để có cuộc sống ổn định. Với sự nổ lực để chứng minh người khuyết tật cũng có thể vươn lên sống, có thể làm những công việc mà một người bình chưa chắc đã làm được, những “vầng trăng khuyết” trên đã cố gắng phấn đấu vươn lên, thay đổi bản thân để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Kim Thương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video