Bình Định: Tạo cơ hội việc làm cho nhiều chị em với xưởng may gia công của gia đình

22/02/2023
Là một phụ nữ vùng nông thôn thuộc khu phố An Dưỡng 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, chị Nguyễn Thị Mỹ Trọng (sinh năm 1984) hiểu khá rõ về nhu cầu việc làm của chị em nơi đây là mong muốn muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình. Do đó, chị đã thành công với cơ sở may gia công và tạo cơ hội việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội LHPN phường Hoài Tân trao sinh kế cho chị Trọng

Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống chị gặp khó khăn về kinh tế, khi đó gia đình chị làm nông là chủ yếu. Vợ chồng chị sinh được 2 người con nên kinh tế rất khó khăn nhưng cái khó và cái khổ không làm chị nản chí, chị quyết định đi phụ và học may tại cơ sở may tư nhân trên địa bàn phường. Với tinh thần chịu thương, chịu khó chị học may rất nhanh và may rất đạt. Tuy nhiên cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày, vì thế chị bàn bạc với chồng vào TP. Hồ Chí Minh tìm nguồn hàng để mở cơ sở may cho riêng mình. Qua sự giới thiệu của người quen về công ty may tìm nhận hàng gia công làm tại nhà, trong thời gian 10 ngày chị đã học thành thạo kỹ thuật may nhiều loại mặt hàng và được công ty ký hợp đồng với nguồn hàng khá ổn định, công việc này phù hợp với khả năng của chị.

Sau khi mọi điều kiện đã cơ bản đầy đủ, bắt đầu tháng 11/2022, vợ chồng chị quyết định lấy số tiền giành dụm được với số tiền vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH thị xã Hoài Nhơn do Hội LHPN phường giới thiệu để đầu tư xây xưởng và mua 12 máy may, 2 máy vắt sổ rồi bắt đầu nhận gia công trực tiếp về nhà làm. Bên cạnh đó, Hội LHPN phường Hoài Tân đã trao sinh kế 2 triệu đồng cho chị Trọng để góp phần động viên gia đình chị vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, tạo cơ hội, trao sức mạnh để chị phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trọng (áo đỏ) đang hướng dẫn chị em may

 

Thời gian đầu mới thành lập, cơ sở may gia công của chị Trọng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn như: các sản phẩm đều làm khác nhau dễ bị mắc lỗi, phải đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và đẹp… Tuy nhiên, nhiều chị em trong tổ đã chịu khó học hỏi dần từ những mặt hàng đơn giản đến phức tạp, từng bước khắc phục lỗi, hoàn thành tốt các sản phẩm khác nhau.

Công việc của các chị phụ thuộc vào nhu cầu của Công ty, trong mọi đơn hàng, chồng chị Trọng là người trực tiếp nhận và gửi hàng vào công ty còn chị Trọng là người giao hàng cho các chị làm để hoàn thành sản phẩm. Việc giao, nhận hàng nhanh chóng đi vào ổn định. Khoảng 3 - 5 ngày phải hoàn thành 1 đơn hàng. Hiện nay, cơ sở may của chị đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho 12 chị làm thường xuyên với mức lương từ 3 – 7 triệu đồng/tháng tùy vào khả năng của từng người. Ngoài ra, có thêm 3 - 5 chị nhận đem về nhà làm thêm với thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm chị thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.

Cơ sở may gia công của chị Trọng ở phường Hoài Tân

 

Theo chị Trọng: “Nghề may gia công dễ học, dễ làm, tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay, biết chịu khó và tỉ mỉ để tạo ra thành phẩm đẹp”. Chị mong muốn nguồn hàng ngày càng dồi dào hơn để chị vừa có điều kiện chăm lo cho gia đình và có thể mở rộng mô hình này tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong phường, giúp chị em có thêm thu nhập vừa có thời gian chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Chị Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội LHPN phường Hoài Tân cho biết: “Thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trên địa bàn phường đã xuất hiện nhiều gương điển hình phát triển kinh tế trong đó có thể nói đến là chị Nguyễn Thị Mỹ Trọng, khu phố An Dưỡng 1 đã thành công với cơ sở may gia công của mình”.

Hội LHPN thị xã Hoài Nhơn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video