Bình Định: Ươm mầm khát vọng hoàn lương cho nữ phạm nhân

12/02/2025
Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã phối hợp tích cực với Trại giam Kim Sơn (đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) triển khai nhiều hoạt động giáo dục, cải tạo, giúp đỡ nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Thủy trao quà cho các nữ phạm nhân và các bé theo mẹ vào trại (Trại giam Kim Sơn, Cục C.10 - Bộ Công an)

Theo đó, Hội đã phối hợp tổ chức được 18 buổi truyền thông cho cán bộ, chiến sỹ và nữ phạm nhân về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, ma túy và các luật liên quan; tổ chức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hơn 2.000 lượt phạm nhân nữ; tuyên truyền về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, giáo dục phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc; về phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, sự đóng góp tích cực của Hội, của các tầng lớp phụ nữ vào công cuộc giải phóng, thống nhất, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế; tổ chức xây dựng phóng sự nêu gương điển hình của nữ phạm nhân có thành tích cải tạo tốt và cán bộ quản giáo tích cực trong công tác cải tạo, giáo dục nữ phạm nhân - những người đã bao dung, cảm hoá các nữ phạm nhân tại Trại giam Kim Sơn

Cùng với đó, nhiều “Hội nghị gia đình” được tổ chức hàng năm; trao hàng trăm suất quà cho nữ phạm nhân khó khăn, con nữ phạm nhân; hội thi “Giới thiệu và kể chuyện theo sách”, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách; nhiều bộ sánh, ấn phẩm, Bản tin, Thông tin đã được Hội LHPN tỉnh trao tặng cho Thư viện Trại giam Kim Sơn; tổ chức khảo sát thông tin nhu cầu việc làm, định hướng đào tạo nghề cho 57 phạm nhân nữ sắp chấp hành xong án phạt tù, tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe chuyên khoa sinh sản cho 60 phạm nhân nữ và khám sức khỏe tổng quát cho 02 cháu con phạm nhân đang ở cùng mẹ trong trại giam; qua đó, giúp cho các nữ phạm nhân trau dồi thêm tình cảm, yêu mến, tin tưởng tổ chức Hội, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, môi trường lành mạnh, thân thiện, tạo động lực để phạm nhân phấn đấu cải tạo tiến bộ, xóa bỏ mặc cảm, tự tin tái hòa nhập cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa những người ở bên ngoài xã hội với người đang chấp hành án phạt tù.

Đặc biệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an, Hội LHPN tỉnh Bình Định và Trại giam Kim Sơn đã phối hợp tổ chức “Sự kiện Truyền thông về Khởi nghiệp”, tổ chức khảo sát 100 phạm nhân nữ án còn lại từ 05 năm trở xuống về nhu cầu, nguyện vọng chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; Tọa đàm “Thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng”, nâng cao vai trò chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho các phạm nhân sau khi tái hòa nhập cộng đồng của các cấp Hội, cơ quan chức năng. Cùng các chuỗi sự kiện nổi bật của Hội LHPN tỉnh Bình Định và Trại giam Kim Sơn phối hợp tổ chức: Giao lưu “Ước mơ ngày trở về”, “Tìm lại ước mơ”, “Hành trang ngày trở về”; nhiều suất quà được trao cho nữ phạm nhân, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho phụ nữ hoàn lương, những món quà vô cùng ý nghĩa đến từ cuộc gặp gỡ bất ngờ với người thân và nữ phạm nhân, những chia sẻ xúc động và quý báu của diễn giả Tô Giang (tác giả hai cuốn tự truyện “Đường xanh viễn xứ” và “Nếu không có ngày mai”), những ý kiến trao đổi, giải đáp cơ chế, chính sách đối với phạm nhân nói chung, nữ phạm nhân nói riêng, về việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các chị hòa nhập, khi trở về với cộng đồng… đã tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi ý chí và khát vọng hoàn lương chân chính cho các nữ phạm nhân, quyết tâm cải tạo tốt, giữ vững niềm tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, lan tỏa vòng tay yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ hành trang cho những con người lầm lỗi, tìm lại ước mơ của cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Tính nhân văn trong công tác giáo dục, giúp đỡ nữ phạm nhân và phụ nữ hoàn lương còn được thể hiện rõ nét hơn, thông qua việc Hội LHPN các cấp theo dõi, giúp đỡ những nữ hoàn lương, khi tái hòa nhập cộng đồng, về lại địa phương, với các hình thức phù hợp: Tổ chức thăm hỏi, động viên, vận động tham gia sinh hoạt Hội, hoạt động của Hội Phụ nữ cơ sở, giới thiệu học nghề, việc làm, bố trí nơi ở tạm thời...; phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương, các tổ chức, cá nhân, thân nhân, gia đình phạm nhân tham gia, chung tay động viên, giúp đỡ, qua đó, tạo cơ hội cho chị em, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu vươn lên, ổn định cuộc sống. Kết quả, đến nay, hơn 200 phụ nữ hoàn lương được hỗ trợ thông qua nhiều hình thức, trong đó (năm 2024) có 68 phụ nữ hoàn lương được giúp đỡ vốn, tạo việc làm, hỗ trợ phương tiện sinh kế, với tổng số tiền là 3.230.000.000 đồng.

Hội LHPN tỉnh Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video