Cách phát triển du lịch cộng đồng của người phụ nữ Xê-đăng

Từ trung tâm TP.Kon Tum di chuyển khoảng 60km, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hiện ra với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, bầu không khí se se lạnh, rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ làm du lịch cộng đồng, đời sống của bà con đồng bào dân tộc ở làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen đã dần ổn định và thoát nghèo.
Việc triển kinh tế từ làm du lịch cộng đồng đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số không còn xa lạ, với tư duy đổi mới vươn lên phát triển kinh tế, bà Y Lim ở làng Kon Pring, Thị trấn Măng Đen đã mạnh dạn đi theo hướng này.
Thực hiện đề án của huyện Kon Plông về phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 3 hộ dân để xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa dân tộc. Gia đình bà Y Lim là một trong 3 hộ dân được sự hỗ trợ của đề án.
Bà Y Lim truyền dạy lại các động tác múa của dân tộc Xê- đăng cho thế hệ trẻ
Từ nguồn hỗ trợ, bà Y Lim đã sửa sang lại nhà cửa cho phù hợp với mô hình homestay để đón du khách lưu trú tại làng. Mỗi tháng, homestay của bà Y Lim đón từ 8-10 đoàn khách, bao gồm các khách du lịch trong và ngoài nước. Bà đã thành lập Tổ hợp tác liên kết du lịch cộng đồng với 22 thành viên là chị em phụ nữ trong làng. Phương thức làm du lịch của bà Y Lim khá bài bản: mỗi lần có đoàn khách tới, bà sẽ tập trung các thành viên để phục vụ các nhu cầu của khách, như nhu cầu thưởng thức ẩm thực với rau củ hái trên rừng, nhu cầu hướng dẫn trải nghiệm các điểm danh lam thắng cảnh tại địa phương, nhu cầu thưởng thức giao lưu và tìm hiểu văn hóa dân tộc Xê- đăng như cồng chiêng, múa xoang…
Bà Y Lim với ngôi nhà đón khách du lịch lưu trú
Từ khi có thêm mô hình phục vụ du lịch cồng đồng, bà Y Lim có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng và các thành viên phụ nữ dân tộc trong Tổ hợp tác liên kết du lịch cộng đồng cũng có thêm một phần thu nhập ổn định, chưa kể nguồn thu từ các công việc bán sản vật địa phương, phục vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch…
Hướng đi, cách làm du lịch cộng đồng của bà Y Lim không phải là mới nhưng với những người phụ nữ dân tộc thiểu số thì đây là sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đó cũng là cách đi đúng hướng, phù hợp với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Kon Plông, góp phần tạo ra động lực để người dân tự giác bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.